TRỰC TIẾP

THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B | 17:30 NGÀY 5-5-2024 | TRUNG TÂM MỤC VỤ TGPSG

XIN GIÚP XÂY DỰNG NHÀ THỜ

* Xin giúp xây dựng nhà thờ Họ đạo Chợ Lách - Giáo phận Vĩnh Long
* Xin giúp xây dựng nhà thờ Bảo Thạnh - Giáo phận Vĩnh Long

BÀI VIẾT MỚI

Xin giúp xây dựng nhà thờ Bảo Thạnh - Giáo phận Vĩnh Long

Nhà thờ Bảo Thạnh địa chỉ ở ấp Thạnh Thọ, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã có lịch sử trên 100 năm. Nằm cách cống đập Ba Lai 8km, thị trấn Ba Tri 11km, Đức Mẹ La Mã 26km và cầu Rạch Miễu 50km. 

Nhà thờ sau vài lần tu sửa đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng: 

 - Là xã vùng sâu ven biển nên thời tiết thất thường làm cho nắng nóng kéo dài, mưa to kèm theo dông bão có thể đổ bất kì lúc nào. 

 - Bà con giáo dân miền quê này chủ yếu làm thuê, làm mướn. Số ít khá hơn thì được 1-2 công đất trồng ít hoa màu dưa cà hay làm muối mùa trúng, mùa thất cũng đành bám theo nghiệp diêm dân do không biết làm gì khác. Cũng chẳng thể tự sửa san lại nhà Chúa cho tươm tất. 

Vì vậy, chúng con mạo muội đăng tải thư ngỏ này để cầu mong quý ân nhân xa gần thương cảm và giúp cho họ đạo có nơi thờ  phượng Thiên Chúa an toàn và tốt đẹp  hơn. Kính cầu Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse cùng chư Thánh trả công bội hậu và ban phát muôn ơn hồng phúc đến quý ân nhân gần xa đã, đang và sẽ góp công, góp của và đặc biệt là những lời cầu nguyện thiêng liêng. Chúng con xin chân thành cám ơn sâu sắc đến quý ân nhân.

Mọi giúp đỡ xin liên hệ:

*Nhà thờ Bảo Thạnh, Hạt Bến Tre, Giáo phận Vĩnh Long. 

Địa chỉ: Ấp Thạnh Thọ, Xã Bảo Thạnh, Huyện Ba Tri, Tỉnh Bến Tre

* Linh mục Chánh sở Giuse Nguyễn Tiến Khoa : 093.944.9686

Số tài khoản: 9939449686 - Vietcombank chi nhánh Ba Tri

Chủ tài khoản: Nguyễn Tiến Khoa








Lược sử Họ Đạo Bảo Thạnh



I. Nguồn gốc. 

Họ đạo Bảo Thạnh ở mạng Đông - Bắc thị trấn Ba Tri, cách Ba Tri trên 9 km, xã Bảo Thạnh, ở dọc theo bờ mạn Đông bờ biển Ba Tri. Phía Bắc giáp sông Ba Lai bên kia Ba Lai là huyện Bình Đại phía Tây giáp họ đạo Tân Xuân.

a. Trong sổ Rửa tội của họ đạo Giồng Giá (hiện nay nhà thờ Ba Tri đang giữ ) được coi là quyển I, từ 1875 - 1915,  trang 270 có ghi: " Phêrô Nguyễn Văn Cầm, 22 tuổi, quê Bảo Thạnh, con của ông Nguyễn Văn Tú và bà Trịnh Thị Tuấn (lương) rửa tội  ngày 20/01/1910 do linh mục Phêrô Nguyễn Phước Khánh".

    + Từ năm 1910 về trước (1875), họ Bảo Thạnh không thấy có người nào rửa tội.

    + Từ 1910-1915 tính tròn 4 năm có đến 26 người được rửa tội ở Bảo Thạnh. Trong sổ Hôn phối của họ đạo Giồng Giá (hiện nhà thờ Ba Tri giữ) được coi là quyển I từ năm 1875 - 1971, trang 113 có ghi: Phanxicô Nguyễn Văn Ơn con của Giacôbê Nguyễn Văn Cung và Lucia Đỗ Thị Táy, họ Bảo Thạnh kết hôn với Maria Phạm Thị Miêu con của Phạm Văn Hên và Cêcilia Nguyễn Thị Tên cùng ở họ đạo Bảo Thạnh. Hôn phối ngày 14/12/1918 tại nhà thờ Bảo Thạnh. Chứng hôn linh mục Phêrô Nguyễn Phước Khánh. Hai người chứng Giuse Trần Văn Măng và Giuse Phương Văn Tương.

+ Từ 1913 đến 20 năm sau (1943)  chỉ có 6 đôi hôn phối khi thì làm ở Giồng Giá khi thì  làm ở Bảo Thạnh.


Từ những việc trên ta có những kết luận như sau:

- Khoảng thời gian đó họ Bảo Thạnh có thể là họ rất nhỏ với ít gia đình Công giáo. Có thể chưa có nhà nguyện .

- Căn cứ trên sổ sách còn lại những lời tường thuật sau đây có giá trị tương đối có cơ sở.


b. Đời Cha Phêrô Nguyễn Phước Khánh làm sở Cái Bông (1905 - 1922) có các ông nồng cốt của họ đạo mà hôm nay con cháu vẫn còn và bút tích của một số người được lưu lại trong sổ Rửa tội và Hôn phối.

- Phaolô Đặng Văn Thén, Hương cả có thâm niên đứng đầu họ Bảo Thạnh.

- Giuse Trần Văn Chiểu (ông ngoại bà Phương Thị Triệu)

- Giuse Phạm Văn Chương (ông cố của Phạm Văn Trị)

- Giacôbê Nguyễn Văn Chung (ông nội của Thầy ba Nguyễn Văn Thật)

- Giuse Trần Văn Tượng (ông nội Bà Phương Thị Triệu)

- Phêrô Trương Văn Hiến (ông nội của Trương Ngọc Nô)


II. Nhà thờ đầu tiên:

Theo lời kể. Đời Cha Phêrô Khánh, cha có cho dựng một căn nhà làm nhà thờ đầu tiên bằng cây, lợp lá, nhà khá khiêm tốn. Mãn xác lá, nhà nầy được thay bộ cột cây tốt và nới rộng ra làm bảy căn lợp lá, vách lá. Nhà thờ bị đốt năm 1929.

Cùng lúc nầy Cha còn trồng hai hàng sao trước nhà thờ tượng trưng 12 thánh tông đồ, số sao nầy bà con bổn đạo ở nhà thờ Giồng Tre lên xin bứng cả con và đem về trồng.


III. Đất lá nhà chung.

Cha Phêrô Khánh có khẩn được 16 mẫu đất rẫy cha cho trồng lá hết, bổn đạo ra công, cha nuôi cơm và phụ ít tiền công.


IV. Nhà thờ thứ hai.

Năm 1930 khi Cha Luca Sách vừa đổi lại thay cho Cha GBt Nhạn, cha sở Cái Bông. Cha cho khởi công xây dựng Nhà thờ. Lần nầy Nhà thờ được xây tường lợp ngói không có hàng bên trong, khá khang trang. Ông Bảy Đẩu (người lương) đã hiến một bộ cột nhà cũ ba căn. Họ đạo dùng cất Nhà thờ tạm thờ tạm kế bên Nhà thờ mới. Khi hoàn thành Nhà thờ tạm được dùng làm trường học.

Trong lúc nầy có thầy Louis Nguyễn Hữu Vinh đang giúp xứ bên Cha Luca. Thầy đã giúp nhiều trong việc trông coi xây dựng Nhà thờ. Nhà thờ nầy đã bị phá bình địa khoảng năm 1945.


V. Nhà thờ hiện nay:

Thời Cha Phêrô Nguyễn Văn Chính (1949-1950) nhà thờ được khởi công lại, câu chuyện được kể như sau:

Ông cả Mẹo người Bảo Thạnh bên lương đang ở nhà 3 căn, hai chái, kèo vỏ đậu, tám đấu tám quyết, muốn bán căn nhà đó để xây nhà tường. Ông đang cáp giá với ông Bồi, ông Bái, Hương chức Đình Làng Bảo Thạnh. Đình muốn mua lại căn nhà của ông để cất lại Đình Làng giá cả là 6000$ gồm cột, kèo, đòn, đòn tay, rui, mè. Bà Phạm Thị Dước (hiện còn sống) chồng là từ Út đang lo việc từ và coi sóc nhà thờ Bảo Thạnh, đến bàn với cha Phêrô và gợi ý với Cha nên mua lai căn nhà đó. Cha Phêrô ngần ngại vì không đủ tiền. Bà tư Dước chạy sang nhà cả Mẹo bàn chuyện mua nhà, hai vợ chồng ông cả có ý không muốn bán cho Đình. Nhưng lại muốn bán cho Họ đạo để cất Nhà thờ. 

Lý do muốn giữ đức cho con cháu. Sau một hồi bàn chuyện ông mới bảo bà Tư Dước "ngày mai nhà có đám giỗ tôi muốn mời Cha sở đến dự và bàn luôn chuyện bán nhà, cô tư liệu có mời ông Cha tới được không? Bà Tư hứa về nói lại. Sau đó khi thưa chuyện với cha sở về ý muốn của Ông Cả, Bà Tư không ngờ là Cha nhận lời. Hôm sau, khi tan tiệc, Bà Cả Mẹo lên tiếng với Cha trong bà ăn: "Lẽ ra tôi bán nhà nầy cho Đình Làng giá 6000$ nhưng thôi chúng tôi muốn để cho Nhà thờ giá 3000$ thôi để con cháu chúng tôi được phúc". Vậy là xong, bây giờ chỉ còn việc dựng lên.

Cha Phêrô Chính chưa khởi sự thì có lệnh thuyên chuyển. Cha Phaolô Nguyễn Văn Mừng đến thay. Ngài bắt đầu ngay. Người ta liền đốn sao xã ra làm rui mè phụ thêm để lợp ngói móc và cửa nẻo chung quanh. Thợ và nhân công phụ giúp khá đông. Họ đạo Gãnh đã cho số lúa đáng kể để nuôi thợ và nhân công lại còn thêm 20 giạ để bán mua ngói móc. Thợ hồ có ông chín Diệu và ông Bảy Chát. Thợ mộc có thợ Cẩn và thợ Chời. Ngày dựng lên rất vất vả vì bộ cột bằng căm xe khá nặng như còn thấy hiện nay. Nhà thờ hoàn thành, mặt tiền xây tô, cột gạch vách lá, nền lót gạch tàu. Lễ khánh thành khá long trọng.

Năm 1973 họ đạo có xin được một số tiền đã đỗ gạch blog để xây vách thay cho vách lá vẫn chưa tô cho đến năm 1975.

Tháng 3/1995 nhà thờ bị xuống cấp trần trọng tường cột nứt nẻ, mái cây bị mục. Cha Phaolô Lực cho khởi công tu sửa lớn: xây lại tường vách, đổ đà đầu cột, đổ máng nước hai bên, sửa lại mặt tiền, sửa lại cung thánh, lót gạch nền nhà, sơn phết...Tháng 6/1995, Đức Cha Giacôbê Mầu đã đến Bảo Thạnh làm phép nhà thờ mới và ban phép Thêm Sức. Dịp lễ này, đã rửa tội thêm được trên 100 người lớn nhỏ.


 VI. Số giáo dân:

 Họ đạo Bảo Thạnh, so sánh trong địa hạt Cái Bông và địa sở An Điền, Ba Tri, là một họ đạo tương đối lâu đời. Người Công giáo có mặt vùng đất này chắc chắn trước năm 1900, Nhà nguyện đầu tiên có lẽ được dựng lên sau đó không lâu. Thời này số giáo dân chắc chắn không nhiều, chỉ khoản 5 hay 10 gia đình Công giáo thôi. Có thể người Công giáo có mặt trước đó, còn Nhà thờ được dựng lên từ thời Cha Phêrô Khánh vì lúc này mới thấy sự có mặt người Công giáo Bảo Thạnh trong sổ sách. Đến thời Cha Luca Sách (...1932), số giáo dân phát triển rõ rệt. Sang đời cha Phêrô Chính, cha Phaolô Mừng, con số đó có trên 300 người, có người cho rằng: có thể tới 500. Điều đó không chắc chắn lắm. Từ 1960 trở đi, vì chiến tranh loạn lạc, thanh niên đi lính, người lớn chết, số người làm ăn không được đã bỏ đi nơi khác, số thôi không giữ đạo nữa; vì vậy số giáo dân bị sụt đáng kể, còn không quá 100 người. Từ 1980-1990, lại không có thánh lễ, dịp lễ Thêm Sức tháng 6/1995, có trên 100 người được Rửa tội lớn nhỏ. Số giáo dân hiện nay trên 250 người, tuy nhiên rối rắm còn nhiều, và vì là Họ đạo ven biển và xa nhất trong địa sở An Điền và Ba Tri.

-        Bổn mạng nhà thờ Bảo Thạnh là: Thánh Giuse Thợ.

-        Để Mình Thánh Chúa.


 VII. Các Cha Phụ Trách Họ Đạo Bảo Thạnh:

+ Thuộc sở Cái Bông: 1905-1922: Phêrô Nguyễn Phước Khánh

          1922-1930: G.B. Nguyễn Linh Nhạn

           1930-1949: Luca Nguyễn Văn Sách

+ Thuộc Giồng Giá :   

1949-1950: Phêrô Nguyễn Văn Chính

1950-1956: Phaolô Nguyễn Văn Mừng

+ Thuộc Ba Tri: 

1956-1961:ĐôminicôLêMinh Tỏ                                                     

1961-1966: Micae Văn Công Nghi

+ Thuộc Cái Bông:

1966-1989: Gioakim Nguyễn Văn Quang

+ Thuộc sở An Điền và Ba Tri: 

1989-2003: Phaolô Trương Tấn Lực

+ Thuộc Giồng Giá : 

2003 : Phêrô Lê Hoàng Lâm


Dự định trong tương lai gần : Nới rộng nhà thờ và xây nhà xứ


VIII. Người Tường Thuật:   

             + Thầy Ba Nguyễn Văn Thật, 71 tuổi

             + Bà Phạm Thị Dước, 73 tuổi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT