THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

BÀI VIẾT MỚI

THÁNH BÊNÊĐICTÔ - VIỆN PHỤ


 
Ngày 11 tháng 7

THÁNH BÊNÊĐICTÔ, VIỆN PHỤ

(480-547)

1. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

Thánh Bênêđictô sinh tại Norcia năm 480 trong một gia đình giàu sang quý tộc.

Khi nhỏ, cha mẹ cho ngài được ăn học ở địa phương, để gần gũi với gia đình, để dễ bề đào tạo tính tình đức hạnh theo khuôn mẫu tổ tiên.

Năm 14 tuổi, thánh nhân được gởi đến học ở Rôma. Học ở Rôma được một thời gian, ngài thấy Rôma không phù hợp với mình vì cuộc sống ở Rôma lúc đó rất suy đồi trụy lạc. Để giữ gìn linh hồn mình được luôn trong sạch, ngài đã trốn khỏi kinh thành, muốn tìm đến một nơi thanh vắng, sống đời ẩn tu tịch mạc. 

Ý muốn của Ngài đã được Chúa ưng thuận. Miền hoang địa cách Rôma 40 dặm là nơi Ngài đã dừng chân để được sống cuộc đời tịch liêu thân mật với Chúa. Trong khi còn đi lang thang tìm một hang trú ẩn, Bênêđictô gặp được thầy Rômanô, một tu sĩ cùng chí hướng với mình. 

Tình yêu và lý tưởng đã kết hợp hai người thành đôi bạn chí thiết. Rômanô chỉ cho Bênêđictô một hang rất kín chưa hề có một vết chân người lui tới. Bênêđictô sống ở đó ba năm. Hằng ngày thầy Rômanô mang bánh cho Ngài. Sau thời gian vắn vỏi sống đời ẩn dật hoàn toàn, Chúa muốn đặt ngọn đèn thánh thiện của Bênêđictô lên nơi cao để soi dẫn cho nhiều người.

Ma quỷ thấy nhân đức của ngài thì luôn tìm đủ cách quấy phá. Đứng trước những cám dỗ của ma quỉ, Ngài luôn làm dấu Thánh giá xua đuổi chúng. Còn những người muốn sống đời nhân đức trọn lành tìm đến, thì Ngài luôn sẵn sàng hướng dẫn giúp đỡ, dạy bảo. 

Nhờ đó mà danh thơm thánh thiện của ngài lan rộng khắp nơi. Cả những người quý phái ở Rôma cũng đến xin làm môn đệ ngài. Ngài thành lập 12 tu viện nhỏ để tiếp nhận họ và giúp họ tập rèn nhân đức.

Số người muốn tu luyện theo đường lối thánh nhân mỗi ngày một đông, nên năm 520, ngài phải dời về Monte Cassino và thành lập tu viện. Đây là tu viện đầu tiên của thánh Bênêđictô. Chính Ngài soạn tu luật cho tu viện. Sau này, tu luật mang tên người được phổ biến khắp châu Âu, nên người được mệnh danh là “Tổ phụ của nếp sống đan tu ở phương Tây”.

Ngày nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới đã có sự hiện diện của các đan viện sống theo lý tưởng của Ngài. Các tu sĩ của Ngài đã hết lòng yêu mến và tuân giữ ba đặc điểm như ba cột trụ chi phối và nâng đỡ đời sống của mình. Ba cột trụ đó là cầu nguyện, học hành và lao động. Người tu sĩ hằng ngày chuyên cần cầu nguyện, siêng năng học hỏi Lời Chúa và làm việc chân tay để tự nuôi sống.

Bênêđictô qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547. Từ cuối thế kỷ VIII, Ngài đã được kính nhớ vào ngày 11 tháng 7. Ngày 24 tháng 10 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra tông thư “Sứ giả hoà bình” (Pacis nuntius), đặt người làm bổn mạng toàn châu Âu.

Sau khi Ngài qua đời, các môn đệ của thánh nhân đặt xác thầy mình bên cạnh xác em gái Ngài, trong mộ Ngài đã dọn sẵn cho mình ở dưới bàn thờ thánh Gioan Baotixita.

Cuộc đời trần thế của thánh nhân tới đây là hết, nhưng danh thơm và sự nghiệp vĩ đại của Ngài sẽ còn tồn tại như bia đá ngàn thu. Người ta quên sao được bộ tu luật bất hủ của Ngài đã làm hứng khởi bao tâm hồn đạo đức là kim chỉ nam cho những ai muốn nên thánh thiện. 

Đàng khác sự tiến phát mau lẹ của dòng và con số đông đảo của những tu sĩ rải rác khắp năm châu, phải chăng chính là dấu Chúa quan phòng hằng chúc phúc cho sự nghiệp của đấng thánh qua muôn thế hệ.

2. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

a. Ý muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa

Trong cuốn “đối thoại”, thánh Grêgôriô cả, sử gia của Bênêđictô, mệnh danh Ngài là “người của Thiên Chúa”. Ơn gọi của Bênêđictô độc đáo ở chỗ này là “chỉ muốn đẹp lòng duy nhất mình Thiên Chúa”. Ngài thực thi tốt và liên lỉ các nhân đức đối thần đến nỗi tất cả cuộc sống Ngài được Thiên Chúa qui hướng. 

Người của Thiên Chúa trước tiên là người của lòng tin. Điều này ta thấy được dễ dàng qua qui luật. Sử gia Daniel Rops: “Tất cả con người Bênêđictô là ở trong qui luật. Nếu ta muốn chấm phá dung mạo thiêng liêng của Ngài, thì phải rút những nét tự Qui luật, đó là bức chân dung trung thực nhất về Ngài”. 

Thánh Grêgôriô khẳng định : “Ngài không dạy điều gì khác Ngài đã sống”. Cho mỗi vấn đề mới được nêu ra, Ngài đã trả lời trước tiên bằng mỗi tác động đức tin. Vậy thì Đan Viện là gì? – thưa, là “Trường phụng sự Chúa”, cho nên đồ đạc và tài sản của đan viện phải được coi như những “bình thánh”, cung hiến cho Thiên Chúa (Qui luật 31).

Mọi công việc phải được xử lý một cách lương thiện “Để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh” (57). Nhưng trong việc nào, ta gặp Thiên Chúa hoàn toàn hơn? – Đó là Nhật Tụng, là việc của Thiên Chúa. Do đó “Đừng coi việc gì quí hơn Nhật Tụng”(43). Điều này không có nghĩa là ta gặp được Chúa ít hơn trong nơi khác. 

Trái lại, viện phụ là Đức Kitô (2), khách và nhất là người nghèo là Đức Kitô (53). Bệnh nhân cũng còn là Đức Kitô (36). Ở mọi nơi, đan sĩ có thể gặp Đức Kitô.

b. Luôn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa

Năm 339, nước Ý phải cơn đói kém lớn lao chưa từng thấy; nhân dân khắp nơi đều phải điêu linh khổ sở túng đói. Kho lẫm của tu viện thánh Bênêđictô cũng đến ngày hết sạch lương thực: ngày kia chỉ còn có 5 chiếc bánh để cho cả nhà hàng trăm người dùng bữa. Thấy các thầy ai cũng rầu rầu mặt, vị tu viện trưởng khả kính liền buông lời trách mát các thầy vì thiếu lòng tin tưởng. Ngài nói:

  • "Sao các anh em buồn rầu vì thiếu bánh? Ngày hôm nay chúng ta còn ít, thì ngày mai chúng ta sẽ có dư dật."

Hôm sau quả thấy có hai trăm thùng bột mì đựng trong các bao mà không ai biết là Thiên Chúa toàn năng đã sai ai đem đến. Các tu sĩ ai nấy dâng lời tạ ơn Chúa và từ đấy không bao giờ phải lo túng thiếu cả, khi trời lâm đói kém, mất mùa cũng vậy. 

Lần khác có một người bị truy tố vì không có tiền trả một món nợ cấp bách. Ông đến bày tỏ tình cảnh của mình với Tu viện trưởng Bênêđictô và xin Ngài thương giúp. Thánh nhân trả lời rằng mình không có đủ 12 đồng tiền vàng để cho ông, rồi Ngài tiếp thêm để an ủi:

  • "Ông cứ về và hai ngày nữa trở lại đây, vì hôm nay tôi không có để mà cho."

Trong hai ngày đó, thánh nhân cầu nguyện nhiều; ngày thứ ba, con nợ trở lại, người ta thấy trên mặt hòm vẫn chứa bột mì có 13 đồng vàng, thánh nhân bảo người nhà đem trao cho con nợ tội nghiệp kia và nói:

  • "Ông hãy lấy 12 đồng mà trả nợ còn một đồng để mà chi tiêu riêng."

c. Quy luật của đời sống cộng đoàn:

“Các đan sĩ hãy cố công và hâm mộ tu tập lấy thiện tâm ấy, đó là :

  • Ân cần tôn kính lẫn nhau;
  • Hết sức kiên nhẫn chịu đựng các nhược điểm hồn xác của nhau;
  • Thi đua vâng lời nhau;
  • Không ai tìm ích lợi cho mình;
  • Trái lại, hãy tìm lợi ích cho nhau;
  • Thực thi nghĩa vụ huynh đệ với lòng trong sáng;
  • Kính sợ Chúa trong tình thương;
  • Yêu mến Viện Phụ bằng tình yêu chân thành và khiêm tốn;
  • Và sau hết tuyệt đối không quí trọng gì hơn Chúa Kitô, Đấng dẫn đưa hết thảy chúng ta lên cõi đời đời.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT