Bài Học Từ Hai Thánh Phêrô và Phaolô đưa chúng ta vào hành trình học tập và suy ngẫm về những nhân đức cao đẹp của hai vị thánh quan trọng trong Kitô giáo. Thánh Phaolô và Thánh Phêrô không chỉ là những người truyền bá đức tin mà còn là những hình mẫu đáng ngưỡng mộ về sự khiêm nhường, nhẫn nhịn và can đảm.
Qua bài viết, chúng ta được mời gọi noi gương các ngài trong việc thực hành đức tin, xây dựng tình hiệp thông huynh đệ và can đảm làm chứng cho Đức Kitô trong cuộc sống hiện đại. Đồng thời, bài viết cũng nêu bật những thách thức của thế giới hôm nay, từ việc tôn thờ ngẫu tượng đến việc phá hủy các giá trị gia đình, và khuyến khích chúng ta dấn thân chống lại "nền văn hóa sự chết."
Thông qua việc học hỏi từ gương sống của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, mỗi người Kitô hữu được kêu gọi sống một cuộc sống đức tin mạnh mẽ, khiêm nhường và can đảm, trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng trong thế giới đầy biến động hiện nay.
1. Học tập gương nhân đức của các ngài
Thánh Phaolô đã dạy các tín hữu noi gương bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Đức Kitô (x.1 Cr 4,16; 11,1). Còn thánh Phêrô thì khuyên các mục tử: “Ðừng thi thố quyền hành, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3).
Gương khiêm nhường: Khi chịu kết án tử hình, thánh Phêrô đã xin được đóng đinh ngược vì thấy mình không xứng đáng chịu đóng đinh giống như Thầy là Đức Giêsu. Còn thánh Phaolô thì công khai nhận mình là “một tên phạm thượng, khủng bố và ngạo mạn.” Ngài cũng khiêm tốn coi mình chỉ là “một đứa bé sinh non, là người bé nhỏ nhất trong số các Tông đồ, không đáng được gọi là Tông đồ” (x. 1 Cr 15,8-9). Thánh Phêrô khuyên các tín hữu chúng ta: “Tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường trong cách đối xử với nhau, vì ‘Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.’” (1 Pr 5,5). Thánh Phaolô thì nói: “Nếu tôi phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe về những gì liên quan đến sự yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30).
Gương nhẫn nhịn chịu đựng nhau và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ: Tuy có nhiều kiến thức hơn Phêrô, nhưng thánh Phaolô đã đến ở với Phêrô 15 ngày để học cùng Phêrô những gì Phêrô đã học từ Đức Kitô (x. Gal 1,18). Ngài khuyên chúng ta: “Ðừng làm gì vì ganh tị hay hư danh, nhưng trong tinh thần khiêm nhường, mỗi người hãy coi người khác là hơn mình” (Phil 2,3). Còn thánh Phêrô khi bị Phaolô chỉ trích công khai, đã giữ thái độ bình thản không tranh cãi (x. Gal 2,11-14). Dù có những bất đồng ý kiến, nhưng các ngài luôn thể hiện sự hiệp thông: Thánh Phêrô đã cùng với Giacôbê và Gioan bắt tay Phaolô (x. Galat 2,9-10). Còn thánh Phaolô thì tổ chức quyên góp tiền gửi về giúp giáo đoàn Giêrusalem.
Gương can đảm làm chứng cho Đức Kitô: Thánh Phêrô đã đứng trước Công Nghị Do thái tuyên bố: “Chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.” (Cv 4,19-20). Còn thánh Phaolô thì nêu gương “chịu đựng trong gian khổ, cùng quẫn, lo âu, đòn đánh, tù ngục, lao nhọc, đói khát” (x. 2 Cr 6,4-5), để giữ vững đức tin (x. 2 Tm 4,7).
2. Sống và loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay?
Tội lỗi của thế giới hôm nay: Cũng như thời các Tông đồ, con người ngày nay đang tôn thờ ngẫu tượng là tiền tài, danh vọng và những thú vui xác thịt. Họ đang “theo những dục vọng của lòng họ, theo những điều ô uế, để họ cùng nhau làm nhục thân thể của họ. Họ đã đổi chân lý của Thiên Chúa để lấy sự giả trá. Họ đã tôn kính và thờ phượng những loài thụ tạo, thay vì Ðấng Tạo Hoá” (Rm 1,24-25). Họ cũng “theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên. Ðàn ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông” (Rom 1,26-27). Họ đang tìm cách đạp đổ gia đình là nền tảng của xã hội bằng cách gán cho nó một định nghĩa mới. Họ đang nhân danh “quyền chọn lựa của phụ nữ” để phá thai, giết hại hàng triệu thai nhi mỗi năm. Không những thế họ còn muốn dạy những điều này cho trẻ em, và thay đổi luật pháp để biến những điều này thành những quyền căn bản, hầu bịt miệng những ai muốn vạch rõ chân lý.
Loan báo Tin Mừng là can đảm chống lại nền văn hóa sự chết: Là Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ đoàn kết với nhau và đoàn kết với các tổ chức tốt khác chống lại “nền văn hoá sự chết này” dù phải chịu mọi thiệt thòi hay phải chết như các Tông đồ khi xưa.