TRỰC TIẾP

THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG | 17:30 NGÀY 19-5-2024 | TRUNG TÂM MỤC VỤ TGPSG

XIN GIÚP XÂY DỰNG NHÀ THỜ

* Xin giúp xây dựng nhà thờ Họ đạo Chợ Lách - Giáo phận Vĩnh Long
* Xin giúp xây dựng nhà thờ Bảo Thạnh - Giáo phận Vĩnh Long

BÀI VIẾT MỚI

YÊU - Tìm hiểu sứ điệp thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu


 

Tìm hiểu sứ điệp thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Nội dung

  1. Giới thiệu tác giả
  2. Lời tựa của tác giả
  3. Tình yêu và khoa học
  4. Vài thánh nhân tiêu biểu:
  5. Tình yêu tự nhiên và tình yêu siêu nhiên
  6. Tình yêu chân thành
  7. Thiên Chúa là một tình nhân
  8. Tử đạo vì yêu
  9. Một trẻ thơ lão luyện
  10. Tình yêu đem lại tự do
  11. Nghệ thuật sống
  12. Tâm sự
  13. Luận lý tình yêu
  14. Sống chết trong tình yêu


1. Giới thiệu tác giả

Ông Gioan Trịnh Xuân Vũ (John Wu) là một nhà luật học quốc tế danh tiếng, một nhà nhân bản học đặc sắc, một người đã kết hợp hài hoà những nét tuyệt hảo của nền văn hoá cũ mới, Đông Tây, một người đã sống đạo Công giáo một cách toàn vẹn, và như lời Giáo sư Paul Lineberger, ông là "một trong những nhân vật phi thường của thế giới hiện đại".

Ông Vũ sinh ngày 28.03.1889 tại Ninh Phố, Trung Hoa, mồ côi mẹ từ lúc lên bốn tuổi, mồ côi cha lúc mới lên mười. Sau khi thuộc những bài học đầu tiên của một người đạo Khổng, ông nhập học trường Tiểu Thị tại bản hương. Năm 1916, ông theo học Luật tại đại học Thiên Tân, sau đó ghi tên vào trường Luật tại Thượng Hải do Giáo hội Mê-tô-đích điều khiển. Khoa trưởng Charles W. Raakin đã gây ảnh hưởng sâu xa nơi ông về việc đọc Thánh Kinh. Chẳng bao lâu ông được rửa tội theo Giáo hội Mê-tô-đích. Trong thời gián đó ông theo học Pháp văn với các cha Dòng Tên tại Đại học Bình Minh. Chính tại đây ông đã làm bạn với một người Công giáo nhiệt thành, ông Doãn Chí Hoàng.

Mùa Hạ năm 1920, ông thi đậu luật sư và sau đó xuống tàu sang Hoa Kỳ tiếp tục học tại trường Luật Michigan. Tại đây, ông làm việc hăng say dưới sự hướng dẫn của khoa trưởng Henry W. Bates và các giáo sư Joseph H. Drake, Edwin Dickinson, nhất là được thân quen với thẩm phán Oliver Wendell Holmes. Tài năng của ông rất sâu sắc nên đã được cấp học bổng theo học trường Luật học quốc tế của Carnegie Endowment và ông đã chọn đại học Paris. Ông đã có dịp đi Bá Linh và Luân Đôn. Mùa Thu năm 1923, ông trở lại Hoa Kỳ và theo học tại trường luật Harvard.

Đầu mùa Hạ năm 1924, ông về nước và làm giáo sư Luật học tại Thượng Hải. Ngày 01.01.1927, ông được gọi giữ chức thẩm phán tại pháp đình lâm thời Thượng Hải. Chẳng bao lâu danh tiếng ông lẫy lừng khắp Trung Hoa và nước ngoài.

Mùa Thu năm 1929, cùng một lúc ông nhận được hai giấy mời: một đi nghiên cứu tại Phân khoa Luật học Harvard, một đi diễn thuyết tại Đại học Luật Chicago. Ông đã nhận lời đi diễn thuyết và xin từ chức thẩm phán. Sau thời gian diễn thuyết, tháng Giêng năm 1930, ông trở lại Harvard và ở đó chừng 6 tháng để nghiên cứu thêm về Luật. Dầu vậy, ông còn lo nhiều việc xã hội khác nữa. Năm 1931, ông được chọn làm cố vấn thành phố Thượng Hải, rồi nhân viên trong Hội đồng Lập pháp của thành phố. Phó Chủ tịch Uỷ ban Soạn thảo Hiến pháp Trung Hoa, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp... Ngoài ra, ông còn cộng tác với nguyệt san Thiên Hạ được thành lập với mục đích cổ động, liên kết văn minh Đông-Tây.

Năm 1937, Nhật chiếm Thượng Hải, ông Vũ trú ẩn tại nhà người bạn là ông Doãn Chí Hoàng, giáo sư Luật tại Đại học Bình Minh. Nhờ sống trong một gia đình Công giáo nhiệt thành, nhất là sau khi được đọc truyện Thánh Têrêsa thành Lisieux của Papini và Newman, ông đã quyết định theo đạo Công giáo. Ngày 23.12.1937, ông nhận lãnh bí tích Rửa tội do Cha Georges Germain, Dòng Tên, Viện Trưởng trường đại học Bình Minh.

Trong thời kỳ thay đổi chế độ tại Trung Hoa, ông sống tại Hong Kong, tiếp tục điều khiển Thiên Hạ nguyệt san, nhận chức Phó Chủ tịch Hội Chân lý Công giáo, với mục đích xuất bản và cổ động sách báo Công giáo. Dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của Cha Maestrini, Dòng Tên, thuộc Hội Thừa sai Milan, ông Vũ càng ngày càng có một đời sống thuộc linh sâu xa... Cha Maestrini nhận định rằng ông Vũ đã sống "một đời sống Công giáo đích thực, không phải, như một vài người tưởng, là một cuộc trao đổi thương mại với Thiên Chúa, hay một chuỗi những cấm đoán khô khăn với vô số thưởng phạt..., nhưng là sự tùng phục trọn niềm tin yêu của một tạo vật đối với Đấng Tạo Hoá", hay nói như ông Vũ, là "một nụ hôn đáp lại một nụ hôn, hoặc đúng hơn, một nụ hôn nhỏ của linh hồn đáp lại một nụ hôn lớn của Đấng cứu chuộc mình".

Cha J. Monsterlest, Dòng Tên, nhận xét rằng: "Trước kia ông Vũ chạy theo thú vui thế gian bao nhiêu, thì bây giờ sau khi trở lại, ông càng ngày càng tự chủ nhiều hơn". Chính ông Vũ cho biết: "Theo tôi, hạnh phúc của con người là ở chỗ yêu một người nào xứng đáng được yêu. Vậy nếu đối tượng tình yêu của bạn là vô-cùng-xứng-đáng-được-yêu, thì hạnh phúc của bạn sẽ vô bờ bến. Mà nếu hạnh phúc của bạn vô bờ vô bến, thì làm sao bạn còn có thể thay đổi ước muốn được? Tư tưởng "vũ điệu" vẫn đánh động lòng tôi, như tôi đã nói với M. Maritain rằng: đối với tôi, đời sống thuộc linh chính là một vũ điệu tình yêu với Chúa Kitô, trong lòng Đức Chúa Cha, theo nhạc đệm của Chúa Thánh Thần" (lời ông Vũ trong bài diễn thuyết "từ Khổng giáo đến Công giáo" tại Đại học Grêgôriô, Rôma, ngày 19.3.1948).

Còn vợ ông, bà Vũ, biết tính hay thay đổi của chồng, lúc đầu không để ý đến việc chồng theo đạo Công giáo. Nhưng dần dần, một phần thấy chồng bà tiến bộ, một phần, thấy con gái bà được lành bệnh lạ lùng, bà đã quyết định xin lãnh nhận bí tích Rửa tội. Sau đó, tất cả gia đình đã theo đạo Công giáo.

Tháng 12 năm 1941, quân đội Nhật chiếm Hong Kong. Ông phải lén lút chèo thuyền chở gia đình ông trốn khỏi Hong Kong. Ông trú ngụ tại Quế Linh và đảm trách việc dịch Thánh Vịnh và Tân Ước sang Hoa ngữ theo lời yêu cầu của tướng Tưởng Giới Thạch. Công trình dịch thuật của ông được chính tướng Tổng tư lệnh đọc lại nhiều lần và chú giải. Ông Vũ đã nói về việc này như sau: "Tôi đã dịch tất cả các Thánh Vịnh... Tuy tôi không phải là một nhà thơ, nhưng Thiên Chúa nhân lành đã biến hoá đời tôi thành thơ, đó là một bài thơ tràn đầy đau khổ và hạnh phúc".

Sau khi chiến tranh chấm dứt, vào mùa Xuân năm 1946, ông Vũ trở lại Thượng Hải. Thủ tướng Chính phủ lúc đó muốn ông giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, nhưng tướng Tổng tư lệnh lại muốn cử ông đi làm đại sứ. Tại các nước mà ông làm đại sứ, ông đã được mời giữ những chức vụ cao trọng nhất. Ông ước vọng được làm đại sứ tại Vatican, một nước tuy nhỏ bé nhất trước mắt mọi người, nhưng lại cho phép ông được sống tại thủ đô của Giáo hội Công giáo. Ngày 8.12.1946, ông được chính thức làm Đại sứ Toàn quyền của Trung Hoa tại Toà Thánh Vatican. Ông trình uỷ nhiệm thư lên Đức Thánh Cha Piô ngày 16.02.1947 và đã đọc một bài diễn văn đáng chú ý, với nội dụng sâu sắc và hình thức tao nhã của một nhà thơ.

(Vài tuần sau nghi lễ nhậm chức này, Đức Cha Montini - sau làm Giáo Hoàng Phaolô VI - báo tin cho ông biết là Đức Thánh Cha Piô XII sẽ tiếp kiến gia đình ông gồm hai vợ chồng và 12 người con. Khi được chụp hình chung với Đức Thánh Cha, ông Vũ hỏi xem đó có phải là một thói quen không. Đức Cha Montini dí dỏm trả lời: "Một nhà ngoại giao muốn được vinh dự này phải có ít là 12 người con!". Báo LIFE đã in hình bức ảnh chụp này trong số ra ngày 14.4.1947).

Suốt thời gian ở Rôma, ông Vũ nổi tiếng là người giàu nhân cách và văn hoá. Ngày 19.3.1948, ông đã nêu một gương sáng trong bài diễn thuyết nhan đề "Từ Khổng giáo đến Công giáo" tại đại học Grêgôriô, khi ông tự thuật một cách hết sức đơn sơ, như thánh Augustinô, những chặng đường dẫn ông đến gặp Thiên Chúa.

Đầu năm 1949, bạn ông là Thủ tướng Chính phủ Trung Hoa, đã mời ông giữ chức Bộ trưởng Tư pháp. Trở lại Thượng Hải, ông Vũ gặp nhiều yếu nhân trong nước. Thế rồi những biến cố dồn dập tiếp theo. Chính phủ sụp đổ. Ông Vũ trở lại Rôma. Ông xin từ chức đại sứ và làm giáo sư tại đại học Honolulu. Ông lợi dụng dịp này để đáp lời yêu cầu của nhiều người từ lâu nay, đó là viết tự thuật về đời sống thiêng liêng của ông. Ông đã xuất bản cuốn tự thuật này dưới nhan đề "Beyond East and West". Đây là một tuyệt tác về sự cao cả và tinh tế của nhân loại.

Những trang trong tập nhỏ này, trình bày về thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, sẽ giúp chúng ta nhận ra một tâm hồn "rất người", nhưng cũng rất siêu nhiên, thánh thiện. Ông Vũ đã viết "Trọn đời tôi, tôi đã đi tìm một người mẹ và tôi đã tìm thấy người mẹ ấy trong Giáo hội Công giáo. Hơn thế nữa, tôi đã tìm thấy một món quà tuyệt hảo mà người mẹ ấy ban tặng, đó là Tình Yêu".

JEAN PAUL DELLAIRE SJ.

Về đầu trang
 

2. Lời tựa của tác giả

 

Lần đầu tiên tôi được nghe nói đến thánh nữ Têrêsa thành Lisieux là vào mùa Đông năm 1937, dịp tôi trú ngụ tại nhà một người bạn chí thân của tôi, ông Doãn Chí Hoàng, một người Công giáo rất nhiệt thành. Điều làm tôi cảm động trước tiên chính là thái độ của những người trong gia đình bạn tôi khi lần chuỗi Mân Côi. Một hôm, đứng ngắm ảnh thánhnữ Têrêsa, tôi hỏi ông bạn: "Đây có phải là hình Đức Mẹ đồng trinh không?". Bạn tôi trả lời: "Đó là cánh hoa nhỏ của Đức Giêsu". Tôi hỏi thêm: "Cánh hoà nhỏ của Đức Giêsu nghĩa là gì?". Ông nhìntôi, ngạc nhiên nói: "Ồ, anh không biết thánh nữ Têrêsa thành Lisieux sao?". Thế là ông bạn đưa cho tôi một cuốn sách tiếng Pháp nhan đề "Sainte Thérèse de l'Enfant Jésus", nội dung nói về tiểu sử và tư tưởng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Tôi cho rằng chính những tư tưởng này đã là một trong những chứng tá sâu xa nhất khiến tôi đặt vấn đề Kitô giáo. Tôi tự nhủ: "Nếu thánh nữ này là một người tiêu biểu của đạo Công giáo thì không một lý do nào khiến tôi không theo đạo Công giáo".

Là người đang theo đạo Tin Lành, tôi có quyền tự do chọn lựa giải thíchnào hợp lý nhất, và thánh nữ Têrêsa là một giải thích hay nhất đối với tôi. Đó là lý do khiến tôi theo đạo Công giáo. Khi tôi nói quyết định này cho ông Doãn Chí Hoàng, ông vui mừng khôn tả, và sau đó tôi biết là ông đã cầu nguyện cho tôi từ mười năm nay. Giờ đây Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của ông, và điều đáng ghinhận hơn cả là những hoàn cảnh mà Thiên Chúa đã quan phòng để dẫn tôi đến sống trong gia đình ông.

Từ khi tôi biết thánh nữ Têrêsa đáng yêu, tình yêu của tôi đối với Chị càng ngày càng lớn mạnh. Chị đã dạy tôi yêu mến Đức Giêsu và Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta. Chị đã làm một phép lạ cho gia đình tôi. Một hôm, con gái tôi bệnh nặng, bác sĩ nói là bị viêm phổi cấp tính, phải hết sức bảo trọng cháu và ít ra 8 ngày sau mới biết có hy vọng cứu sống cháu hay không. Bác sĩ vốn là người thật thà và có uy tín, nên vợ chồng tôi tuyệt đối không nghi ngờ gì về lời bác sĩ tiên đoán. Khổ một nỗi là nhà tôi lại sắp đến ngày sinh, nếu cứ phải thức chăm sóc cháu chín mười ngày nữa, chắc chắn sẽ kiệt sức vì mệt mỏi lo âu. Bệnh của cháu cứ mỗi ngày một tăng. Nhà tôi sốt ruột khuyên tôi mời Cha Moestrini đến rửa tội cho cháu. Thế là cháu được chịu phép Rửa tội. Rồi nhà tôi bế cháu đến quỳ trước ảnh thánh nữ Têrêsa, cầu nguyện rất sốt sắng. Tôi không biết nhà tôi nói những gì. Mãi đến khi nhà tôi đứng dậy, tôi mới hỏi xem nhà tôi đã cầu nguyện gì với thánh nữ. Nhà tôi trả lời: "Có gì đâu, em chỉ nói đơn sơ với Chị Thánh là cháu Vũ Lan khó sống nổi, chắc là em không được làm mẹ cháu nữa đâu, xin Thánh Nữ nhận cháu làm con".

Sáng hôm sau bác sĩ lại đến. Ông đo nhiệt độ cho cháu Têrêsa Lan và thấy nhiệt độ đã hạ xuống. Bác sĩ khám bệnh và thấy chứng viêm phổi đã biến mất. Chúng tôi chỉ còn biết nói: "Lạ quá! Lạ quá!". Sau đó tô kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bác sĩ nghe và xin bác sĩ cho tôi tờ chứng nhận về trường hợp khỏi bệnh lạ lùng của con tôi để sau này tôi ghi vào cuốn tự thuật, bác sĩ trả lời: "Ồ, dĩ nhiên là tôi sẵn sàng". Tiếc rằng tôi không thể viết hết cuộc đời tôi trên những trang giấy này. Nhưng điều tôi muốn ghinhận ở đây là việc nhà tôi trở lại đạo Công giáo. Trước đó một thời gian, nhà tôi có đi lại làm bạn với bà Dung, một phụ nữ Công giáo đã nêu gương phẩm hạnh cho nhà tôi và đã nói cho nhà tôi về vẻ đẹp phong phú của đạo Công giáo. Nhưng chính thánh nữ Têrêsa đã làm cho nhà tôi có đức tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu Kitô. Riêng tôi chỉ còn việc dạy giáo lý cho nhà tôi. Tôi không bao giờ cảm thấy việc truyền bá đức tin cho gia đình tôi là cần thiết, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương gia đình tôi quá sức đến nỗi chính Người đã đến làm chủ gia đình tôi, trong căn nhà bé nhỏ của chúng tôi. Nhưng ân huệ lớn lao nhất trong muôn vàn hồng ân khác là hằng ngày gia đình tôi được Thiên Chúa đến dùng bữa với chúng tôi, như lời sách Khải Huyền: "Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta" (Kh 3,20). Bây giờ tôi đã học được cách cầu nguyện của nhà tôi: tôi chỉ cần nói với Chúa Giêsu một cách đơn sơ rằng: "Con không đủ sức trả nợ Chúa, xin Chúa trả nợ thay cho con".

Trước khi kết thúc lời tựa này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, đã giúp tôi soạn tập nhỏ này, cách riêng cám ơn Cha Maestrini và ái nữ Têrêsa Vũ Lan, đã khuyến khích tôi rất nhiều. Đặc biệt tôi dâng lời cảm tạ Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ mà tôi đã cầu nguyện trước khi viết tập nhỏ này: "Mẹ ơi, xin Mẹ giúp con hoàn tất hình ảnh thánh nữ Têrêsa, đứa con yêu dấu của Mẹ, người Chị thiêng liêng rất đáng yêu của con".

Vì thế, nếu tập nhỏ này làm hài lòng bạn, bạn hãy cảm tạ Mẹ Maria. Còn nếu không làm hài lòng bạn thì đó là lỗi tại tôi. Nhưng nếu tập nhỏ này làm hài lòng bạn mà không làm cho bạn yêu mến Chị Thánh Têrêsa và Bạn Tình Chí Thánh của Chị, thì lỗi đó là tại bạn đấy!

JOHN VŨ

Về đầu trang
 

3. Tình yêu và khoa học

 

Một thời gian trước khi qua đời, văn hoà Goethe đã nói với Eckermann:

"Văn minh của nhân loại dù có tiến bộ đến đâu, kiến thức về vũ trụ dù có sâu xa và rộng rãi đến mấy, trí khôn của con người dù có tiến tới tột đỉnh, cũng không bao giờ có thể vượt qua được sự cao siêu và toàn thiện về luân lý và văn hoá của Kitô giáo như đã toả sáng trong sách Phúc Âm".

Từ khi những lời ấy thốt lên, thời gian đã qua đi hơn một thế kỷ và trong thời gian ấy khoa Tâm lý đã đề cập đến những khía cạnh uẩn khúc nhất của nhân sinh. Nhưng thử hỏi chúng ta có vượt qua được nền luân lý văn minh cao thượng và hoàn hảo của Kitô giáo không? Thưa không! Giáo lý của Chúa Kitô như sao mai chiếu sáng và còn chiếu sáng mãi đến tận thế. Thực vậy, Đức Piô XI đã nói một câu đáng lưu ý: "KIến thức về khoa học thiên nhiên giúp dẫn tới một kiến thức cao quý hơn nhiều, đó là hiểu biết về thế giới siêu nhiên". Khoa học càng tiến bộ càng lôi kéo chúng ta tới gần đức tin sống động. Nền văn minh vật chất đã đến đúng lúc như đổ thêm nhiên liệu vào ngọn lửa tình yêu. Ngọn lửa yếu ớt sẽ bị nhiên liệu dập tắt, nhưng ngọn lửa rực rỡ mà được tăng thêm nhiên liệu, thì càng bùng cháy mãnh liệt hơn.

Tôi vừa đọc một bản tình ca cổ điển của Trung Hoa:

Một thôn nữ dịu hiền,

Ôi chao nàng kiều diễm!

Mang tặng tôi ống tiêu,

Màu hồng sao rực rỡ!

Xứng hợp với nàng xinh.

Nàng mang từ đồng nội:

Tặng tôi chiếc chiếu đan,

Đẹp quý biết dường bao!

Nhưng chiếc chiếu đan ơi!

Mi sẽ chẳng đẹp gì,

Nếu không là quà tặng,

Của tất cả tình yêu!

Tôi tự hỏi một thiếu nữ thời nay sẽ tặng gì cho người yêu? Có thể nàng sẽ đem tặng chàng một món quà giá trị hơn, văn minh hơn, thay vì tặng một ống sáo hoặc chiếc cói đan như cô thôn nữ trong bản tình ca. Nhưng dù văn minh tới đâu, "nếu không là quà tặng của tất cả tình yêu" thì chẳng có ý nghĩa gì, vì tình yêu không mất mát chi, trái lại chiếm được tất cả.

Như thế, làm sao khoa học có thể truất phế Kitô giáo, một tôn giáo tuyệt hảo của tình yêu? Theo ý kiến tôi, không một ai đã diễn tả triết lý tình yêu hay bằng thánh Phaolô. Tôi xin phép trích đoạn Thư gởi tín hữu Côrintô:

"Yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Yêu thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ mất được" (1 Cr 13,4-8).

Không ai có thiên tài như thánh Phaolô, mà cũng không ai nói rằng tất cả quà tặng đều vô giá trị nếu không được ngọn lửa tình yêu đốt sáng. Đó là ý nghĩa của những dòng tuyệt mỹ sau đây:

"Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của thiên thần đi nữa, mà không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin chuyển núi dời non, mà không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr 13,1-3).

Thiết tưởng tất cả sự hỗn độn của nền văn minh vật chất hiện nay là do tình yêu khoa học quá nhiều mà lại quá ít khoa học tình yêu.

Thánh nữ Têrêsa viết:

"Khoa học tình yêu. Ôi! Hồn tôi cảm thấy những từ ấy êm dịu chừng nào! Tôi chỉ ao ước học một khoa học ấy thôi. Đối với khoa học này, dù tôi đã cho tất cả bảo vật của tôi, như lời hôn thê trong sách Nhã Ca, thiết tưởng tôi vẫn chưa cho gì cả" (Une Rose Effeuillet: Soeur Thérèsa de l'Entant Jésus, Lisieux, Carmel, 1910, trang 175).

Cho tất cả mà không cần tính toán, đó là tột đỉnh của tình yêu!
 

Về đầu trang
 

4. Vài thánh nhân tiêu biểu:

Thánh Martha và Madalena

 

Thực vậy, đối với người công giáo, không có cách nào yêu mến Thiên Chúa hơn là yêu mến Đức Giêsu, Con Một Người, vì nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho nhân loại và Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính con người để con người được mặc lấy thiên tính. Ngôi Lời nhập thể đã nhân loại hóa mối tương quan giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Yêu mến Đức Giêsu là yêu mến Thiên Chúa vì Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa còn là gì đối với chúng ta? Người là Cha của chúng ta. Phải, không những Người là Cha, Người còn là Mẹ của chúng ta. Phải, Người là Mẹ, và còn hơn thế nữa, Người là Bạn, là Anh, là Chị, là Hôn Phu, là Chúa, là Vua, và là Tất Cả của chúng ta. Mối tình giữa chúng ta với Người thật xúc tích, bao gồm tất cả Ngũ Thường của loài người và vô số những mối dây liên hệ khác. Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa bằng nhiều danh xưng khác nhau, nhưng tất cả chỉ thích hợp với Người một cách tương tự, vì ngôn ngữ loài người có giới hạn, và ngoài giới hạn này, không còn xác định hơn được nữa, mà chỉ có thể gợi lên một ý niệm nào đó thôi. Vì thế chúng ta có thể gọi Thiên Chúa bằng những danh xưng diễn tả các mối dây liên hệ giữa người với người, vì tất cả đều thích hợp với Người.

Chắc bạn nhớ câu Chúa Giêsu hỏi: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" rồi Người chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi" (Mt 12,48-49). Vì thế, Phêrô, tuy là một người chài lưới quê mùa, nhưng không những là anh của Chúa Giêsu, mà còn là chị và là mẹ Người. Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ nghèo nàn của chúng ta như thế đó! Khi con người không tìm được những từ ngữ thích đáng để diễn tả mối liên hệ giữa chúng ta với Người, thì chính Người đã mượn những hình ảnh và những từ ngữ diễn tả mối dây liên hệ giữa người với người để nói với chúng ta.

Trong các mối liên hệ ấy, ít ra đối với dân tộc Trung Hoa, tình vợ chồng là mối tình cốt yếu hơn cả. Chúng ta thấy rất nhiều vị thánh, trong số các thánh cao cả nhất, trinh khiết nhất và dịu hiền nhất, đã diễn tả mối liên hệ tình yêu giữa các ngài với Thiên Chúa như là tình phu thê. Đây là những từ ngữ nhân loại được nâng cao hơn hết để nói lên tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Còn lời nào đẹp hơn những lời của sách Diễm Ca:

"Hãy dùng môi miệng hôn ta,

Tình chàng thi vị hơn là rượu nho,

Dầu thơm thượng hạng còn thua" (Dc 1,2-3).

"Ta vừa rời họ không lâu,

Bỗng nhiên gặp được người yêu tâm hồn,

Ôm chầm lấy, giữ lại luôn,

Đem vào tư thất mẫu thân ta liền" (Dc 3,4).

Tất cả các thánh đều yêu Chúa nồng nàn, nhưng có vị yêu Chúa như là Cha, là Chúa, vị khác lại yêu Chúa như là Bạn, là Anh và là Người Yêu của mình. Chính những cách yêu phong phú ấy đã làn nên nhiều thánh nhân tiêu biểu khác nhau, và nhờ các ngài, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta nhiều chỗ trên trời. Chẳng hạn ở Bêtania, hai cô Martha và Maria, mỗi người có một cách yêu Chúa khác nhau. Thánh Luca đã vẽ lại cho chúng ta một bức họa sống động về hai chị em này:

"Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Martha đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Martha thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: 'Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!'. Chúa đáp: 'Martha! Martha! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi'" (Lc 10,38-42).

Chúng ta hãy xem một cảnh khác trong Phúc Âm thánh Luca: Maria Madalena đã yêu nhiều:

"Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt đôi chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

"Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: 'Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!'. Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: 'Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!'. Ông ấy thưa: 'Dạ, xin Thầy cứ nói'. Đức Giêsu nói: 'Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?'. Ông Simon đáp: 'Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn'. Đức Giêsu bảo: 'Ông xét đúng lắm'.

"Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: 'Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi. Dầu ô liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều'" (Lc 7,36-47).

Nhưng tại sao tôi lại nói dài dòng về người nữ này? Thưa, vì nàng là kiểu mẫu đầu tiên của Chị Têrêsa thành Lisieux, nàng đã biết nghệ thuật yêu: Cho tất cả mà vẫn có cảm tưởng chưa cho gì hết. Chính Chị Têrêsa cũng nói:

"À, nhất là tôi bắt chước thái độ của Madalena. Sự táo bạo phi thường, hay đúng hơn, đáng yêu đó đã quyến rũ con tim Đức Giêsu, và nay lại lôi cuốn tôi" (Một Tâm Hồn).
 

Về đầu trang
 

5. Tình yêu tự nhiên và tình yêu siêu nhiên

Têrêsa, cũng như Madalena, đã yêu Đức Giêsu bằng tình yêu của một vị hôn thê. Với tấm lòng trinh khiết thơ ngây, chị viết:

"Tám ngày sau lễ đội lúp, cô Jaenne là chị họ cưới ông bác sĩ Néele, đã đến thăm nhà Dòng, cô nói chuyện cách thức mình đã chiều đãi chồng mới cưới. Con nghe câu chuyện, lòng khấp khởi quá. Con đã định tâm: 'Con quyết chiều đãi Chúa Giêsu người bạn chí thiết, không chịu thua người đàn bà thế gian cách chiều đãi chồng nay còn mai mất'. Khi ấy tim con nóng lên vì cảm hứng mới, con quyết chí cố gắng hơn trước trong mọi việc để đẹp lòng Bạn Thánh, để thỏa lòng Vua Cả đã thương chọn con làm bạn trăm năm" (Một Tâm Hồn).

Trong một bức thư gởi cho chị Céline, Têrêsa viết:

"Chúng ta hãy làm cho lòng chúng ta trở nên một vườn hoa hoan lạc để Chúa Cứu thế hiền dịu của chúng ta tới nghỉ. Hãy trồng thật nhiều hoa huệ tinh khiết trong vườn này, vì chúng ta là trinh nữ, và chúng ta cũng đừng quên rằng giữ mình đồng trinh là âm thầm từ bỏ mọi yêu chiều của trần gian, không phải chỉ từ bỏ những yêu chiều vô ích, nhưng tất cả mọi yêu chiều" (L'esprit de la Bienheureuse Thérèse de l'Enfant Jésus d'arès ses écrits et les témoins oculaires de sa vie, Lisieux, Carmel, 1914, trang 102).

Chị còn viết:

"Những vị đại thánh làm việc để vinh danh Thiên Chúa, còn con, con chỉ là một tâm hồn nhỏ bé nhất, chỉ làm việc để làm vui lòng Người. Con muốn ở trong tay Chúa nhân lành, như một đóa hoa nhỏ, một cánh hồng vô ích, nhưng màu sắc và hương thơm sẽ làm cho Người thêm vui" (Sđd).

Người ta có cảm tưởng như nghe chính Madalena nói vậy. Tôi thường có ý nghĩ rằng tình yêu của người nữ thường sâu xa và vững chắc hơn người nam. Chính Laurence Housman cũng nói: "A! chàng có một tình yêu mặn nồng, vui sướng đang khi tiến tới hôn nhân. Nhưng nàng có một tình yêu bền vững, lớn lên do chính việc đợi chờ".

Không những nữ giới biết nhẫn nại nhiều hơn, mà họ còn có tài chịu đựng đau khổ nhiều hơn nam giới. John Masefield đã diễn tả về điểm này khá cụ thể: "Tôi biết vẻ đẹp rực rỡ của người nữ mỗi khi nàng yêu: bạn ơi, chính là cho, chứ không phải là nhận: đó là những lúc vất vả dưới bếp, ngay cả khi đang mang thai; đó là những lúc vừa ẵm con vừa làm việc; đó là những lúc lắng nghe từng tiếng rên của người chồng đau yếu".

Người nữ chỉ cần quy hướng về Chúa tất cả tình yêu quảng đại của mình đối với chồng, cũng đã ở ngưỡng cửa thiên đàng rồi.

Chị Têrêsa đã được sinh ra trên trần gian này với một con tim phong phú đặc biệt. Từ khi còn nhỏ, Chị đã tỏ ra có một tình yêu sâu đậm, nhất đối với cha mẹ, chị em, họ hàng thân cận, có một lòng xót thương những người nghèo khổ và có một niềm cảm thông với những người tội lỗi. Chị có một con tim cháy lửa tình yêu, một con tim hiệp thông với Thiên Chúa. Lúc còn nhỏ Chị đã ý thức được định mệnh cao cả của mình, nhưng Chị không kiêu ngạo, vì Chị biết rõ đó là ơn Chúa ban nhưng không cho Chị. Càng có nhiều tài năng, Chị càng khiêm tốn. Tự nhiên và Ân sủng đã làm cho Chị trở nên một vị đại thánh: bản tính tự nhiên của Chị mang một tình yêu nồng cháy và ân sủng của Thiên Chúa đã hướng tình yêu ấy lên trước Thánh Nhan. Chị Têrêsa không ngây ngất say mê Đức Giêsu biến hình trên núi Thabor, nhưng say mê Đức Giêsu bước đi trên đường tử nạn:

"Chính những lời tiên tri Isaia sau đây đã đặt nền móng cho lòng tôn sùng của con đối với Thánh Nhan và cho tất cả lòng tôn kính của con: 'Người mất hết vẻ đẹp huy hoàng chói lọi, dung nhan Người dường như đã khuất dạng, chúng ta nhìn Người mà không còn nhận ra Người nữa'. Con cũng thế, con ao ước được như Đức Giêsu: không còn huy hoàng diễm lệ, không còn một tạo vật nào nhận ra nữa" (Sđd).

Chính lòng tín thác này là bước đầu quan trọng cho đời sống thuộc linh của Chị. Thiết tưởng, đây là đặc điểm nổi bật hơn cả nơi Chị Thánh, làm cho tình yêu của Chị đối với Đức Giêsu đượm tính hào hùng: nhiều người chỉ phụng sự Người khi nào Người ban ơn an ủi, nhưng rất ít người chịu làm bạn với Người khi Người ngủ trên thuyền gặp bão táp, hoặc khi Người đau khổ trong vườn Cây Dầu. Ai là người đã phụng sự Đức Giêsu vì chính Đức Kitô? Đó là Chị Têrêsa. Ôi tình yêu hào hiệp nơi trái tim người nữ ấy! Thánh Phanxicô đệ Salê đã nói: "Tình yêu làm con người trở nên bình đẳng".

Tôi nghĩ rằng Đức Giêsu đã yêu những người có một tình yêu can đảm táo bạo, hơn là những người có một tình yêu tao nhã dửng dưng. Chị Têrêsa dám gọi vị Hôn Phu Chí Thánh của Chị là người ăn cắp, người điên, người yêu mù quáng, không biết tính toán gì cả... Thế mà Đức Giêsu lại yêu Chị nhiều hơn, vì trên môi Chị Thánh Têrêsa, những kiểu nói ấy lại chứa đựng một cung cách dịu dàng trìu mến. Tình yêu sâu đậm của Chị đối với Đức Giêsu đã thể hiện rõ ràng trong cử chỉ nhỏ bé này: người ta trao cho Chị một cây thánh giá, Chị ôm chặt vào lòng nói:

"Người đã chết rồi. Tôi yêu Người nhiều hơn khi Người hấp hối vì thiết tưởng khi Người đã chết rồi, Người không còn đau khổ nữa" (Novissima Verba, Lisieux, Carmel, 1926, trang 144).

Quả thật chỉ có người nữ mới có thể có được một tình yêu như thế!
 

Về đầu trang
 

6. Tình yêu chân thành

Chị Têrêsa yêu chính vị Hôn Phu Chí Thánh của mình, chứ không phải yêu những hột soàn quý giá của người ấy. Chị không ao ước gì hơn là làm sao cho Đức Giêsu hài lòng. Chị chiếm được lòng Người vì Chị đã kín đáo âu yếm, mơn trớn Người. Chị biết rằng Người là một vị hôn phu trung thực, không thích những vuốt ve quá tuồng kịch. Chị đã nhẹ nhàng lẻn vào trái tim Người đến nỗi Chị biết hết tất cả những hoạt động trong đó. Chị đã khôn ngoan như con rắn và lách mình vào tận những uẩn khúc sâu thẳm nhất trong trái tim rất thánh của Bạn Tình đáng yêu mà không bao giờ làm cho người Bạn đó mệt mỏi vì phải chú ý bận tâm. Chị đã cột chặt với Người Tình mà không cần dây thừng hay "vòng sắt" (theo kiểu nói của Shakespeare: "Những người bạn mà anh đã cảm thấy keo sơn, anh hãy lấy vòng sắt mà cột chặt lòng anh với người bạn ấy" (xem Hamlet, Acte I, S.3). Lão Tử có vẻ gần với Chị Têrêsa: "Những mối ràng buộc bền chặt nhất tuy không phải làm bằng dây bằng nút nhưng vẫn không ai có thể cởi ra được". Chính Chị Têrêsa đã tỏ lộ ra với Mẹ Bề trên:

"Anh Giêsu có thể lấy lại tất cả những gì Người đã cho con. Mẹ hãy nói với Người đừng bận tâm ngần ngại. Người có thể lánh mặt, con sẵn sàng chờ đợi cho tới ngày đức tin con bừng sáng" (Một Tâm Hồn).

Chị Thánh đã viết những dòng chữ trên vào một ngày Chị cảm thấy Đức Giêsu xa Chị. Tình yêu đã đem lại những hy vọng mà đức tin không đem lại được. Chị đã quá rõ Đức Giêsu, nên Chị không sợ Người bỏ rơi Chị. Khi còn nhỏ, Chị đã viết cho chị Pauline:

"Vinh danh Chúa Giêsu, đó là tất cả tham vọng của em. Những gì của em, em phó thác cho Người, mà giả như Người quên em thì thôi! Người được tự do, vì em không thuộc về em nữa, mà đã thuộc về Người. Người sẽ chóng chán làm cho em phải đợi hơn là em đợi Người" (Một Tâm Hồn).

Không phải Chị Têrêsa tin vào sức riêng mình, nhưng Chị tín thác tuyệt đối vào lòng nhân lành của Chúa toàn năng, Đấng không thể bất trung với những ai yêu mến Người. Hơn nữa, chính vì Chị Têrêsa không ao ước được phần thưởng nào hết, nên Chúa sẽ thưởng Chị, và phần thưởng ấy sẽ lớn lao dường nào! Chị không ước ao được chói sáng như những viên bích ngọc, cũng không muốn ngân vang như những tiếng chuông vàng, Chị muốn là một hạt cát nhỏ bé, thấp hèn, không ai biết đến, chỉ toả hương thơm cho một mình Chúa thôi. Nhưng Chúa lại không chịu thua lòng quảng đại: Người đã biến hạt cát ấy thành một vì sao sáng chói với muôn vàn hào quang và đã phủ tràn vũ trụ bằng hương thơm của một cánh hoa nhỏ chóng tàn. Người ta tự hỏi không biết bây giờ tâm hồn Chị Thánh cảm nghĩ thế nào. Thiết tưởng Chị vẫn một lòng như ngày còn dưới thế:

"Con chỉ là một tâm hồn nhỏ bé mà Chúa nhân lành đã ban đầy ân sủng, và con không vì Đấng ấy mà hãnh diện. Hãy xem chiều nay mặt trời lặn nhuộm vàng ngọn cây thế nào, thì tâm hồn con cũng thế: xem ra huy hoàng tráng lệ, là vì được đặt dưới nhãn tuyến của tình yêu. Nếu mặt trời toàn thiêu không chiếu sáng nơi con, thì con sẽ trở thành tối tăm mù mịt ngay" (Một Tâm Hồn).

Đó phải chăng là một sự khiêm nhường giả hiệu? Không, đó là một sự thật, một sự thật không hơn không kém. Ai đã hiểu biết sâu xa về uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa như Chị, ai đã cảm thấy sự cao cả vô cùng của Thiên Chúa và sự hư vô của mình như Chị, thì dù muốn, cũng không thể nào còn tự kiêu tự phủ nữa.
 

Về đầu trang
 

7. Thiên Chúa là một tình nhân

Đôi khi tôi diễn tả Thiên Chúa như một tình nhân biết thử lòng người yêu. Nếu bạn ao ước một điều gì, Thiên Chúa lại cố ý làm cho điều đó xa bạn. Nếu bạn chán ghét điều nào thì Người lại cố ý cho bạn điều đó. Như những tình nhân, Người muốn dò xem bạn có yêu Người thành thực và tinh tuyền không. Nhưng không giống như các tình nhân khác, Người không bao giờ bị lường gạt bằng những kiểu cách tỏ tình thiếu thành thật. Chỉ một chút ý muốn tìm thoả mãn cá nhân cũng đủ làm cho Người xa bạn. Vì thế, nếu Người muốn bạn thuộc hẳn về Người, Người sẽ gởi đến cho bạn hết thử thách này đến thử thách khác, cho tới khi nào bạn đoạn tuyệt với mọi lưu luyến thế gian, mọi ước muốn trần tục.

Chị Têrêsa là một người con ngoan ngoãn của Chúa: Chúa chỉ cần nói nhỏ một tiếng cũng đủ nghe, trong khi đối với nhiều người khác, Chúa phải nói bằng sấm sét, bằng bão tố. Chị biết lợi dụng những kinh nghiệm nhỏ bé nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của Chị để tìm gặp Chúa. Tâm hồn Chị giống như một cuốn phim bén nhạy, ghi lại những cử động nhẹ nhàng nhất của ân sủng. Chị không bỏ qua một bài học nào, lại thấm nhuần ơn Chúa Thánh Thần, đến nỗi tất cả đối với Chị trở thành những dụ ngôn chân lý, những tiêu biểu của tình yêu. Trong 20 năm trời mà Chị đã học biết được nhiều hơn cả nhân loại trong 20 thế kỷ. Chính vì thế Chị đã viết:

"Tình yêu có thể thay thế tất cả cuộc sống lâu dài. Thiết tưởng Thiên Chúa nhân từ không cần nhiều năm để thực hiện công trình của Người nơi một tâm hồn; chỉ cần một tia sáng phát ra từ trái tim Người cũng đủ làm cho đoá hoa của Người tươi nở đến muôn đời" (Một Tâm Hồn).

Chẳng hạn, có mấy người trong chúng ta đã dửng dưng được trước con quái vật trăm đầu là dư luận quần chúng? Chị Têrêsa nhỏ đã giết chết con quái vật ấy ngay từ khi gặp nó lần đầu tiên lúc 16 tuổi. Một chị bạn đã ghi nhớ về việc này như sau:

"Têrêsa nhỏ thường phải chịu chích thuốc và úp ly vào mông. Ngày kia Chị đau đớn quá, giờ chơi phải nằm nghỉ trong nhà, lúc ấy Chị nghe dưới bếp có tiếng ai nói: 'Chị Têrêsa Hài Đồng sắp chết rồi! Chị chết đi không biết Mẹ Bề trên phải nói chuyện về Chị làm sao! Chắc Mẹ sẽ lúng túng lắm, vì Chị Têrêsa đáng yêu thật, nhưng Chị chẳng làm gì nên chuyện đáng nói'.

Chị phụ trách phòng bệnh cũng nghe thấy điều ấy, đã nói lại với Têrêsa thế này:

- Nếu Chị để tâm nghe lời bình phẩm, hẳn Chị sẽ nhận thấy rất sai lầm.

- Lời bình phẩm! A! Phúc cho em lắm! Thiên Chúa đã ban cho em ơn dửng dưng với những lời người ta bình phẩm. Em kể chuyện này để chị nghe vì đâu em hiểu rõ giá trị của lời bình phẩm: khi em mặc áo dòng được mấy hôm, em lên gặp Mẹ Bề trên. Lần ấy một chị nhà dưới cũng đang đứng đấy, trông thấy em vào đã nói ngay với Mẹ bề trên rằng:

- Thưa Mẹ, có Chị này vào nhà Tập, hân hạnh thật! Chị coi tươi vui lắm! Chắc Chị có thể giữ phép Dòng được đến cùng!

Em đang hài lòng vì mấy lời khen ấy thì tiếp ngay một chị lúp trắng đến, nhìn em nói:

- A! Chị Têrêsa! Sao coi mệt mỏi thế? Nhìn Chị em phải rùng mình! Nếu thế này mãi, chắc Chị chẳng giữ luật tới cùng được đâu!

Dù bấy giờ em mới 16 tuổi, nhưng nhận xét nhỏ mọn đã làm em hiểu đời lắm, đến nỗi từ đó em không còn kể gì lời người ta bình phẩm nữa" (Một Tâm Hồn).

Một hôm Đức Khổng Tử nói: "Ai không cảm thấy tức giận khi người khác không hiểu mình, chẳng phải là một người tốt sao?". Tuy nhiên, nói vẫn dễ hơn làm. Chỉ khi nào hoàn toàn thiệp thông với Chúa, người ta mới có thể từ bỏ thế gian và từ bỏ chính mình. Chị Têrêsa là người say mê Chúa, nên đã có đủ nghị lực để từ bỏ những cái khác. Mọi nhân đức của Chị đều phát xuất từ nguồn lực sống động ấy. Thật hạnh phúc cho một tâm hồn nói được rằng:

"Lòng em hằng đầy tràn thánh ý Chúa, ai muốn đổ gì vào cũng không thể lắng xuống được, chỉ trơn trượt đi như giọt dầu rơi trên mặt nước trong. Ôi, nếu linh hồn em không đầy tràn thánh ý Chúa, lại cứ luôn luôn thắc mắc đến những vui buồn hằng kế tiếp xảy ra, thì thật là nguồn sầu nguồn khổ cho em biết mấy! Nay tất cả những nỗi sợ hãi chỉ phớt qua linh hồn em như gió thoảng; em luôn được yên hàn điềm tĩnh hưởng bình an sâu xa trong cõi lòng; không gì có thể khiến lòng em xao xuyến nữa" (Một Tâm Hồn).
 

Về đầu trang
 

8. Tử đạo vì yêu

Càng nghiên cứu tính tình của Chị Têrêsa, tôi càng thấy mình bị lôi cuốn và càng yêu mến, tôn thờ Đức Giêsu, người nghệ sĩ tuyệt vời nơi các linh hồn. Thật đáng thán phục một thiếu nữ mới 15 tuổi đã viết cho chị ruột của mình:

"Tình yêu có thể đảm đương được mọi việc; những việc khó khăn nặng nhọc đến đâu, tình yêu sẽ làm cho nhẹ nhàng và êm dịu như không. Chị cũng quá biết Chúa không xét việc ta làm to lớn hay nhỏ mọn, khó khăn hay dễ dàng, một chỉ xét cái vị-tình mà ta có nhiều hay ít thôi. Thế vì việc gì chúng ta phải e sợ" (Một Tâm Hồn).

Đến đây tôi sực nhớ một câu thành ngữ Trung Hoa: "Bao lâu chồng vợ yêu nhau, dù đi khất thực cũng đâu hề gì?".

Đối với vị Hôn Phu Chí Thánh, Chị Têrêsa đã muốn chịu mọi đau khổ của các vị tử đạo, và còn muốn hơn thế nữa. Đời Chị là một cuộc tử đạo liên tục, đầy những hy sinh nho nhỏ. Chị muốn tử đạo theo cách người khác không biết. Chị đã sống anh hùng cách hết sức bình thường đến nỗi không có vẻ anh hùng. Nhờ những bài học và gương sáng của Chị, Chị đã tinh luyện, mở rộng và làm phong phú ý nghĩa của hy sinh, và điều này đã mang lại cho Chị, cũng như các linh hồn khác, con đường nên thánh bằng quy hướng tất cả về tình yêu:

"Khác xa những linh hồn xinh đẹp đã sống cuộc đời khổ hạnh ngay từ nhỏ, tôi đã thực hiện bằng cách không chiều theo ý riêng, không cãi lý với người khác, giúp đỡ những việc nhỏ mọn mà không làm cho người khác biết... và trăm nghìn cách tương tự" (L'esprit de la Bienheureuse Thérèse).

Chị tử đạo, không phải bằng cách bị chém đầu hoặc bị ném vào vạc dầu sôi (những trường hợp hiếm có ấy, chỉ một số ít được Chúa ban riêng), nhưng là bằng những hy sinh trong đời sống hằng ngày của Chị. Sống bằng những hy sinh như thế mà nếu cứ đợi những đau khổ lớn lao thì chết đói mất. Chị Têrêsa đã làm cho từng ngày trong đời Chị có một giá trị mới mẻ và to lớn hơn. Chị đã thực hiện câu nói của Georges Herbert: "Ai quét nhà vì vâng lời Chúa, người ấy đã làm một công việc tốt đẹp".

Thực ra, Chúa không cần những hy sinh của chúng ta, nhưng chỉ coi những hy sinh đó như những biểu hiện tình yêu của chúng ta. Nếu chúng ta yêu Chúa với một con tim sốt mến và hoàn toàn tận hiến, thì tất cả những việc chúng ta làm hay thiếu sót, những điều chúng ta nói hay giữ kín, trở thành những hy sinh nho nhỏ tựa như những bông hoa toả hương thơm, bởi vì chúng ta đã dâng hiến cho Chúa một cách vui vẻ, nhờ đó chúng ta chiếm được trái tim Người.

Người Trung Hoa thường nói: "Nếu bạn không khéo vẽ hình con hổ, thì bức hoạ của bạn có thể thành hình con chó; nếu bạn không khéo khắc hình con thiên nga, thì bức điêu khắc của bạn ít ra cũng có thể thành hình con vịt". Vì thế, những tâm hồn nhỏ bé nên bắt chước Chị Thánh Têrêsa hơn là noi gương những vị thánh vĩ đại xưa, vì con thiên nga và con vịt là những loài chim cùng một giống, trong khi hổ và chó, theo người Trung Hoa quen nói, thuộc hai giống hoàn toàn khác nhau.

Nhưng máu của ta có giá trị gì mà có thể tăng thêm giá trị cho máu Đức Kitô? Một giọt nước nhỏ bé có nghĩa lý gì so với một đại dương vô bờ bến! Dầu vậy, khi chúng ta phải đổ máu ra vì Người, thì máu chúng ta trở nên quý giá như một biểu hiện nhỏ bé của tình yêu đối với Thiên Chúa, chỉ là một biểu hiện thôi, chứ không phải là chính tình yêu. Nói cách khác, "tử đạo vì tình yêu" phải hiểu là mọi hình thức hy sinh, kể cả một vài hy sinh đã làm và sẽ làm. Nhiều người tự làm lễ vật hy sinh vì lẽ công chính, nhưng ít ai tự trở thành lễ vật hy sinh vì yêu. Thực ra, không phải Chị Têrêsa là người đầu tiên thực hiện cách tử đạo này, nhưng tất cả các thánh, ở mức độ khác nhau, đều là hy lễ của tình yêu. Tuy nhiên, người ta không thể chối cãi rằng chính Chị Têrêsa, hay đúng hơn Chúa Thánh Thần nơi Chị, đã đội triều thiên chói sáng cho cách tử đạo này, và cách này trở thành căn bản cho đời sống Kitô hữu, làm thành một nguồn sáng mạnh mẽ và sống động nhất.

Sự thánh thiện, giống như chiếc kim tự tháp, đỉnh càng cao, đáy càng rộng, thì thể tích càng lớn. Kim tự tháp của Chị Têrêsa: đỉnh là tình yêu, đáy là bản tính tự nhiên, thể tích là tất cả những công việc thường ngày. Nơi Chị, cái đơn sơ nhất đi đôi với cái phức tạp nhất. Khi chọn MỘT (tình yêu) là Chị chọn tất cả.

Trong một bài tiểu luận đặc sắc, tựa đề "Đối với tôi, tôn giáo nghĩa là gì?", bà Tưởng Giới Thạch đã tóm tắt bản chất của Kitô giáo bằng những lời sau đây:

"Cuộc sống thực ra rất đơn giản, nhưng chúng ta lại làm cho nó trở thành phức tạp biết bao! Trong nghệ thuật cổ Trung Hoa, chỉ có một sự vật nổi bật trên bức hoạ, chẳng hạn một bông hoa, còn tất cả những cái khác chỉ là phụ thuộc. Đời sống trọn lành cũng thế, bông hoa độc nhất ấy là gì? Giờ đây tôi cảm nghiệm rằng đó là thánh ý Thiên Chúa!" (What religion means to me, trong cuốn This is our China, New York, Harper, 1940, trang 162).

Trích dẫn những lời này, vì đối với tôi, những lời đó thật ăn khớp với đời sống Chị Têrêsa.
 

Về đầu trang
 

9. Một trẻ thơ lão luyện

Đời sống Chị Têrêsa không phải chỉ là một điệu nhạc du dương, nhưng là một bản hoà tấu tuyệt diệu. Têrêsa là một trẻ thơ, nhưng một trẻ thơ khôn ngoan. Đơn sơ như chim bồ câu, nhưng khôn ngoan như con rắn. Con đường nhỏ của thời thơ ấu thiêng liêng lại quả là con đường của tuổi trưởng thành nhất. Dường như chính Chị cũng đã đề cập đến điều này: "Cứ để cho Thiên Chúa là Cha làm gì thì làm, Người biết rõ Người cần phải làm gì cho đứa con thơ bé của Người". Một lần kia, Soeur Marie Thánh Tâm, chị ruột thánh nữ hỏi Têrêsa: "Thế em là một đứa con nít à?" Chị Têrêsa nghiêm nét mặt trả lời: "Đúng thế! Nhưng là một đức con nít lão luyện, một đứa trẻ biết suy tư".

Phải chăng Chị kiêu ngạo? Không, hơn ai hết, Chị biết sự khôn ngoan từ đâu đến:

"Các vị thánh sư khả kính của em trên trời đều là những đấng đã cướp nước thiên đàng, chẳng hạn các thánh Anh Hài hoặc người trộm lành. Các Thánh Cả được hưởng phúc thiên đàng nhờ sự nghiệp lớn lao mà các ngài đã lập; phần em, em muốn bắt chước những người ăn trộm, em muốn chiếm nước thiên đàng bằng mưu: mưu tình yêu. Tình yêu là đường lối của em, của em và của tất cả những người tội lỗi như em. Chúa Thánh Linh làm em phấn khởi khi ban bố lời này trong sách Cách Ngôn: 'Hỡi những ai bé nhỏ nhất, hãy đến, hãy học nơi Ta sự khôn khéo'" (Cn 1,4).

Điều hấp dẫn trong việc ăn trộm này là Thiên Chúa để cho mình bị bắt quả tang. Thiên Chúa đã để cho Têrêsa chiếm được Nước Trời vì Chị đã để cho Chúa chiếm đoạt chính mình Chị:

"Đấng ăn trộm có lẽ chày kíp sẽ đến ăn trộm chùm nho nhỏ của Người. Em đã thoáng thấy Người và cố giữ cho em khỏi bật miệng: Kẻ trộm! Kẻ trộm! em còn gọi trộm đến nữa là khác: Lại đây! Lại đây!" (Một Tâm Hồn).

Lão Tử đã nói: "Cái đức vững chắc giống như người kẻ trộm" (Đạo Đức Kinh). Tôi tự hỏi: Thần Linh Chân lý lại không có một vài điểm giống như thần trộm cắp, thần lừa đảo và bịp bợm ư? Rồi tôi giải thích tại sao tất cả con cái Chúa, theo thánh Phaolô: "bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực luôn vui vẻ; bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực làm cho bao người trở nên giàu có; bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực có tất cả" (2 Cr 6,8-10).

Những chân lý cao siêu nhất chỉ có thể cảm nghiệm chứ không lý giải được, cũng không diễn tả được. Cô bé tinh khôn đã biết rõ điều ấy:

"Trong truyện cách thánh ẩn tu có chép một tích lạ này: một thầy ẩn tu đã cải hoá được một thiếu nữ mê dâm trắc nết và làm gương mù gương xấu trong địa phương mình. Nghe thầy khuyên bảo, người nữ trắc nết, được ơn Chúa thôi thúc mạnh mẽ, đã thống hối ăn năn ghét tội hết lòng hết sức và quyết tâm xin theo thầy tu hành để hãm mình đền tội rất nghiêm nhặt. Khi lên đường, mới đi được một đêm, chưa kịp đến nơi đền tội, người nữ tội lỗi đã lăn ra chết dọc đường, chết vì lòng đau đớn quá sức, chết vì lửa kính mến cháy trong linh hồn quá mạnh! Trong giây phút ấy, thầy ẩn tu nhìn thấy nhiều thiên thần từ trời xuống rước linh hồn thánh ấy lên hưởng phúc thiên đàng và Thiên Chúa đã ẵm linh hồn thánh ấy vào lòng rất thiết tha âu yếm. Trời đất ơi! Đó là một truyện vô cùng cảm động, minh chứng những điều con ao ước nói chẳng nên lời" (Một Tâm Hồn).

Quả thật, Chị Têrêsa, như Đấng Quan Phòng, có cặp mắt luôn rộng mở. Không phải chính Chị nói, nhưng đúng là Chúa Thánh Linh nói qua miệng lưỡi Chị.

Những tiến bộ của khoa Tâm lý học hiện nay đã làm cho con người quan tâm đến mình nhiều hơn bao giờ hết. Phương dược không phải là lui về cõi vô thức, hơn nữa không thể lui về như thế được, nhưng là tiến thêm một bước nữa để tìm gặp Chúa tận đáy lòng thầm kín nhất của ta. Để thoát khỏi những cái tiêu cực nơi thành thị, chúng ta nuôi ảo vọng trở về miền quê, nhưng khi về miền quê, chúng ta lại mang thành thị đi với chúng ta. Như thế là chúng ta chỉ lùi bước thôi! Chúng ta cứ là người thành thị cho tới khi có chỗ trong đô thị của Thiên Chúa, một đô thị cổ kính hơn hết các đô thị và hơn cả miền quê. Ước vọng duy nhất của tôi là được gặp những người ham nguỵ biện, để thấy cái đê tiện của thuyết nguỵ biện, là được gặp những người chuộng thuyết hồ nghi để biết nghi ngờ những cái hồ nghi riêng của họ, là được gặp những người theo thuyết ngộ đạo để đừng say mê sự ngộ đạo của họ, hơn nữa để yêu những gì cao cả hơn chính mình họ.

J.W.N. Sullivan đã viết trong cuốn "Những giới hạn của khoa học": "Tôi nghĩ rằng sự phát triển ý thức chắc chắn là yếu tố quan trọng nhất của sự tiến hoá" (The Limitations of Science, New York, Viking, 1933).

Nghệ sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ hay nhạc sĩ nổi tiếng làm chúng ta chú ý đến những điểm mà chúng ta không bao giờ để ý. Họ mở rộng và tinh luyện một vài yếu tố trong kinh nghiệm của chúng ta, đem lại cho chúng ta một kiến thức hoàn hảo hơn và một sự tự chủ mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Đối với tôi, Thánh Têrêsa là một tiêu biểu rõ nét về đời sống thiêng liêng trong thời đại chúng ta, bởi vì Chị rất sành sõi về đời sống nội tâm của mình. Chị thâm thuý một cách dịu dàng và dịu dàng một cách thâm thuý; Chị tinh xảo một cách ngây thơ và ngây thơ một cách tinh xảo; Chị tươi vui mà thánh thiện; phức tạp mà đơn sơ; táo bạo một cách tế nhị và tế nhị một cách táo bạo; gương mặt Chị quyến rũ; trái tim Chị dịu hiền; Chị uyển chuyển như nước và nồng nàn như lửa; Chị biết những đức tính của phái nam, nhưng vẫn giữ vẻ dịu dàng của phái nữ, như lời Lão Tử đã viết trong Đạo Đức Kinh: "Hãy biết đức tính của nam nhi. Hãy giữ vẻ dịu hiền của nữ nhi và hãy là một dòng nước trong thiên hạ. Là một dòng nước trong thiên hạ nghĩa là luôn tiến theo phương hướng tốt, không bao giờ đi trệch" (ĐĐK, ch 29). Chị Têrêsa biết đức tính của nam nhi khi chị ý thức "nhân từ không phải là nhu nhược". Tuy nhiên phần lớn đời Chị, Chị đã sống như một nữ nhi.

Chị mang trong tâm hồn một chiếc kiếm hai lưỡi, nhưng lại luôn để trong bao. Là một trẻ thơ sớm trưởng thành, nhưng Chị biết điều hoà sự sớm trưởng thành ấy bằng biết sống ẩn mình như một mầm non nhỏ bé không vội nảy nở trước thời.

Ngày nay, dù Chị đã làm những phép lạ phi thường, nhưng Chị vẫn giữ tâm hồn nhỏ bé như một mầm non. Vì thế, chúng ta biết rằng, trong đời sống thiêng liêng, không gì quan trọng bằng lòng chân thành. Tôi tin rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, Chị cảm thấy điều Chị đã nói trước khi lìa trần là một chân lý: "Chính Chúa Giêsu làm tất cả. Còn tôi, tôi không làm được gì hết".

Lão Tử cũng đã nói: "Chính ĐẠO làm tất cả. Còn tôi, tôi không làm gì hết". Nhưng Đạo của Lão Tử là một hữu thể vô ngã, đối với tôi có vẻ lạnh như đá, trong khi Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, là một ngọn lửa tình yêu sống động, đã làm cho từng thớ thịt của trái tim tôi phấn khởi rung động. Xét theo quan điểm của Trung Hoa, tôi dám nói rằng điều đáng chú ý trong Kitô giáo là hoà hợp được tính cách thần bí sâu xa của Lão Tử với tính cách nhân bản mãnh liệt của Khổng Tử. Kitô giáo khác Lão giáo ở chỗ Ngôi Lời mặc lấy xác thịt với một trái tim ấm áp và chuyển đập. Kitô giáo khác Khổng giáo ở chỗ chính Ngôi Lời, chứ không phải ai khác, đã làm việc kỳ diệu ấy. Khổng Tử viết: "Ai xúc phạm đến Thượng Đế, người ấy cầu nguyện cũng vô ích". Còn Lão Tử viết: "Tạio sao cổ nhân lại cầu nguyện với Đạo? Phải chăng nhờ Đạo mà ai tìm sẽ thấy, ai có tội sẽ được ân sủng?". Đối với Khổng giáo, Thượng Đế có ngôi vị nhưng lại hẹp hòi; còn đối với Lão giáo, Thượng Đế tuy rộng rãi nhưng lại vô ngôi vị. Theo thiển ý tôi, Thượng Đế còn hơn một ngôi vị nữa, vì Người đã nhập thể làm người. Những ai không chấp nhận Thượng Đế có ngôi vị, mà chỉ nhận con người mình có ngôi vị mà thôi, thiết tưởng người đó tự nâng mình lên trên Thượng Đế. Nếu Kitô giáo đã làm thoả mãn lý trí tôi chính là vì đã giới thiệu cho tôi một Thượng Đế vừa rộng rãi, vừa có ngôi vị. Còn Chị Têrêsa đã củng cố niềm tin tôn giáo của tôi bằng tâm hồn thanh thiết, thoát tục của Chị như tâm hồn Lão Tử, và bằng con tim dịu dàng, nhân ái của Khổng Tử.
 

 Về đầu trang
 

  1. Tình yêu đem lại tự do

Tự nguyện chọn làm nô lệ tình yêu, Chị Têrêsa đã được tự do như chim trời bay nhảy. Càng khăng khít chặt chẽ với Hôn Phu của Chị, càng ngày Chị càng không dính bén với tạo vật. Ngay từ khi còn nhỏ, Chị đã thấu triệt "tạo vật hư không nay còn mai mất":

"Chúa Giêsu không phải là bạn chí thiết của con sao? Con chỉ biết nói chuyện với Chúa! Nói chuyện với chị em, dù là chuyện đạo đức, linh hồn con cũng dễ nhọc mệt lắm. Thật sự, những lúc trơ trọi một mình, nhiều lần con cũng cảm thấy tẻ lạnh. Nhưng con thường hay tự an ủi bằng cách ngân nga lời thơ đẹp đẽ mà cha con đã có lần đọc cho con nghe:

"Thế gian không phải là nhà,

Thuyền con xuôi bến chính là thế gian" (Một Tâm Hồn).

Như thế, Têrêsa đã nhìn thế gian dưới ánh sáng vĩnh cửu và đã dọn đường cho Chị biết thoát ly tư lợi, mặc dù nó quyến rũ Chị. Chị dần dần cắt đứt tất cả các mối ràng buộc khiến phải nô lệ tạo vật: sự ham muốn làm đẹp, sự quyến rũ của nghệ thuật, bản năng chiếm hữu của cải vật chất, hoặc những cái mà Chị gọi là "kho tàng thiêng liêng":

"Nếu tôi là người có của, tôi không thể nhìn một người đói khát mà không cho ăn uống. Tôi thực hành điều ấy trong đời sống thiêng liêng, tuỳ kiếm được nhiều ít, tôi đem phân phát ngay cho những linh hồn đang bên bờ vực thẳm trầm vong đời đời. Hành động như thế thật không còn lúc nào nói được là tôi hành động cho bản thân tôi nữa" (Một Tâm Hồn).

Một chị Nhà Tập đã kể lại giai thoại sau đây: "Có người xin tôi chiếc kim đan mà tôi vẫn thích dùng, tôi lấy làm tiếc lắm. Bấy giờ Chị Thánh bảo tôi: 'Ồ, chị giàu có quá! Chị không thể sung sướng được đâu!' (Một Tâm Hồn). Lời khiển trách nhẹ nhàng nhưng xúc tích dường nào! Người ta có thể giàu có với một chiếc kim đan, và có thể nghèo khó với một triệu bạc".

Biết bao người không thoát ly tạo vật! Chiếm hữu một chiếc kim thôi có thể ngăn trở họ lên cao hơn trong Nước Trời. Trái lại, nếu chỉ coi mọi vật như những phương tiện hữu ích để giúp đỡ tha nhân, thì chiếm hữu cả vũ trụ cũng không làm hại tâm hồn họ, vì họ luôn có "tinh thần nghèo khó". Chị cắt nghĩa bài học bàn tay trắng cho một chị Nhà Tập thế này:

"Một cách duy nhất cưỡng bách Chúa đừng phán xét ta điều gì hết, là ta ra mắt Chúa với hai bàn tay trắng. Làm sao lại như thế được? Rất đơn giản, chỉ việc đừng nắm giữ cái gì cả, có gì thì đem cho hết đi. Phần em, giá mà Chúa cho em sống tới 80 tuổi, em vẫn cứ nghèo như bây giờ, em không biết tần tiện, có cái gì em liền chi phí ngay để mua chuộc các linh hồn. Nếu em cứ cố gắng đợi mãi đến giờ chết mới đưa ra mấy đồng xu nhỏ của em để xin Chúa định giá cho thì có mà chết! Chúa sẽ khám phá ra nhiều rỉ sét ở mấy đồng tiền ấy, và chắc chắn em sẽ bị đem vào lọc lại trong luyện ngục" (Một Tâm Hồn).

Đối với Chị Thánh, chúng ta còn phải thoát ly cả những việc đạo đức riêng tư:

"Chị phải trục xuất những công việc cá nhân, sử dụng một cách ý thức thời giờ đã quy định, nhưng với một tâm hồn dấn thân thực sự. Có lần em đọc thấy dân Israel xây thành Giêrusalem, một tay xây, một tay cầm gươm. Đó là hình ảnh mà chúng ta phải làm, chứ đừng để mình hoàn toàn thu hút vào công việc!".

Phải chăng đó cũng là tư tưởng của Lão Tử khi ông nói: "Hãy làm việc mà đừng quá để ý đến công việc của bạn". Nhà triết học lão thành Trung Hoa đã học được điều ấy sau bao năm kinh nghiệm, còn cô bé người Pháp này đã học được ở trường Tình Yêu. Phải, tình yêu, tình yêu quảng đại tận hiến vô giới hạn, đã giải thoát tâm hồn Chị và chấp cánh cho Chị bay cao. Chị Têrêsa nói với Céline:

"Chúng ta hãy thoát ly trái đất này, hãy bay lên núi Tình Yêu để bông huệ xinh đẹp là tâm hồn chúng ta trú ngụ trên ấy. Hãy thoát ly cả những an ủi của Chúa Giêsu để có thể kết hiệp với chính Người mà thôi".

Và khi Chị đã hy sinh tất cả hữu thể Chị, Chị không còn gì để thoát ly nữa ngoài việc từ bỏ chính tư tưởng muốn thoát ly của chị. Chị quả thật là chiếc bình chứa đựng Chúa Thánh Thần. Đó là tất cả. Chỉ có Thánh Thần Thiên Chúa mới có thể đào tạo vị hôn thê nhỏ của Người "leo lên tới cao độ trọn lành nhanh nhẹn và nhẹ nhàng như chú hươu con".

Thánh nữ Têrêsa không được nâng cao hơn các thánh khác, nhưng Chị đã hiện đại hoá sự thánh thiện. Chị thuộc loại những nhà cách mạng biết canh tân trong khi giải phóng. Hội Thánh Công giáo là một thân thể sống động không ngừng phát triển qua bao thế kỷ, nhưng vào thế kỷ 20, thế kỷ mà chúng ta có thể gọi được là một thế kỷ tâm lý tế nhị, cần có một vị thánh như Têrêsa, một trong những nhà tâm lý thâm thuý nhất, một trong những nhà phân tích cực kỳ tinh tế. Nhờ Chị, sự thánh thiện không còn là một cái gì cao siêu, mà như nước thấm vào tận cõi vô thức sâu thẳm. Chúa Thánh Thần luôn tạo nên những vị thánh mới, để đáp ứng với nhu cầu của thời đại mới. Vào thế kỷ 16, thế kỷ phát sinh chủ nghĩa cá nhân, Chúa Thánh Thần đã làm nên một Têrêsa Avila mà P. Hernandez sau một cuộc tiếp xúc với thánh nữ đã tuyên bố: "Người ta nói với tôi đó là một người nữ đặc biệt. Nhưng theo tôi đó là một nam tử mà tôi chưa hề thấy một người thứ hai như thế".

Cũng không phải là vô lý mà Chúa Thánh Thần đã làm nên trong thời đại chúng ta một "trẻ thơ lão luyện". Thế kỷ chúng ta chính vì đã già, nên rất cần trở nên trẻ thơ. Chị Têrêsa đã vạch cho chúng ta con đường đó. Với tính đa cảm, trực giác, vui tươi, sắc xảo, tế nhị, thanh khiết, Chị đã thực hiện trong đời sống thiêng liêng những điều mà các vĩ nhân đương thời đã làm trong lãnh vực hoạt động của họ.
 

Về đầu trang
 

11. Nghệ thuật sống

Trong những ngày ở Rôma, Têrêsa đã đi viếng nghĩa địa nổi tiếng Campo Santo và Chị đã tả lại như sau:

"Campo Santo đã làm chúng tôi say mê! Những tượng bằng đá hoa trắng, chạm trổ rất tài tình, trông như người thật, đứng rải rác trong khắp cánh đồng rộng thênh thang; cách xếp đặt có vẻ tầm thường mà lại vui mắt lạ. Nhìn bộ diện các tượng y như người âu sầu rầu rĩ đau đớn ấy, ai cũng chạnh lòng muốn chạy đến an ủi. Thật là một cách phô diễn tài tình sầu thương thê thảm, điềm đạm và mang tính tôn giáo! Kỳ công kiệt tác thay! Chỗ này, tượng một đứa trẻ đang rắc hoa trên một cha, trông chẳng ai nghĩ được là tượng đá: những cánh hoa mềm mại nắm trong tay rơi xuống nhẹ nhàng như thật! Chỗ kia, tượng những quả phụ đang trùm khăn đứng tư lự gió bay rối cả khăn lẫn áo; lại mấy cô thiếu nữ, mồ côi cha, cũng bơ phờ đang đứng đấy, chẳng còn biết gì đến ngọn gió vô tình làm phất phơ những giải lụa buộc tóc trên đầu" (Một Tâm Hồn).

Những gì tài năng nhân loại gởi gấm nơi các tượng đá hoa, thì nhà điêu khắc Chí Thánh cũng phú bẩm cho Chị Têrêsa. Thoạt nhìn, Chị có vẻ "phất phơ theo chiều gió", nhưng thực tế không có gì vững chắc hơn Bông Hoa Nhỏ trắng ngần của Đức Giêsu. Chính đời sống nghiêm túc của Chị lại làm cho Chị dễ sống. Nếu Chị thuộc gia đình Bêtania xưa, Chị sẽ ân cần tiếp đãi Đức Giêsu như Martha, vừa tiếp đãi Chị vừa đưa mắt nhìn trộm Đức Giêsu đang hài lòng nói chuyện với Maria ngồi dưới chân Người. Lúc đó, cảm tình của Chị đối với người em lại càng lớn; Chị yêu em vì thấy em yêu Đức Giêsu. Chính Chị cho phép chúng ta nghĩ rằng:

"Giả sử, dĩ nhiên không thể, Chúa nhân lành không nhìn thấy những việc thiện con làm, con sẽ không than phiền. Con yêu Người và muốn làm hài lòng Người dường nào, nhưng con lại không muốn Người biết là chính con, vì biết, và muốn điều đó, dường như Người bó buộc phải trả ơn... và con không muốn Người phải phiền toái như thế".

Càng làm việc vất vả, Chị càng muốn tỏ ra vui tươi. Thật là một nhân đức vững chắc được giấu ẩn bằng vẻ đơn sơ bên ngoài!

Về văn chương, người ta thường nói: "khó viết thì dễ đọc". Thật vậy, sự sâu sắc đích thật lại mặc vẻ trong sáng. Trời xanh khôn lường, nhưng lại trong sáng! Thẩm phán Holmes, chẳng hạn, vừa là một quan toà nổi tiếng vừa là một văn sĩ trứ danh. Khi phê bình về những tác phẩm luật pháp của ông, Frankfurter, một thẩm phán khác đã viết: "Lối văn gọn gàng, uyển chuyển, mạnh bạo của ông đã làm cho những tư tưởng của ông trở nên sáng sủa lạ thường. Tất cả xem ra đến với ông một cách dễ dàng... nhưnhững con chim tuyệt đẹp mà nhà ảo thuật rút ra từ tay áo. Nhưng đó là vẻ dễ dàng bên ngoài của một nỗ lực lớn lao và một nghệ thuật cao kỳ". Chính Holmes đã viết cho tôi về nghệ thuật viết vănnhư sau: "Khi đọc Tennyson, bạn cảm thấy rằng ông ta cố gắng tìm viết những câu văn thanh nhã. Khi đọc Shakespeare, bạn thấy những câu văn tuyệt bút của ông ta dường như từ nguồn suối chảy ra, và ông viết một cách hết sức tự nhiên như nói chuyện vậy. Trong khi Stevenson lo tìm kiếm những từ ngữ chính xác thì Kipling lại bỏ từ điển để đi kiếm những từ ngữ phổ thông mà dân chúng thường dùng".

Thực vậy, nghệ thuật cao siêu là một nghệ thuật giấu ẩn. Hơn nữa, có nhiều điểm đúng trong câu nói của Voltaire qua miệng Popucurante, một nhân vật trong vở kịch Candides của ông về một buổi hoà nhạc: "Tiếng ồn ào làm cho người ta khuây khoả trong vòng nửa giờ, chứ nếu kéo dài hơn, nó sẽ làm cho mọi người mệt mỏi. Mặc dầu không ai dám công nhận âm nhạc ngày nay không phải là một nghệ thuật biểu diễn những bản nhạc khó, nhưng cái khó chẳng làm cho người ta hài lòng được mãi! Có lẽ tôi sẽ thích đại nhạc kịch hơn, nếu người ta không tìm ra một phương cách biến nó thành một con quái vật chọc tức tôi".

Những cái đúng trong âm nhạc, trong điêu khắc, văn chương, cũng đúng trong nghệ thuật sống. Không một nữ tu nào ở Carmel lại cảm thấy mình khó giữ luật Dòng hơn là Têrêsa. Dầu vậy, Chị đã giữ luật với tất cả tinh thần vui vẻ. Hãy nghe các chị em nói về Chị:

"Người ta thấy Chị luôn niềm nở, vui vẻ, dễ thương; người nào không đi sâu vào nội tâm Chị, có thể tưởng rằng Chị theo một con đường thật êm dịu, đầy an ủi. Chính vì thế, nhiều người sống đương thời với Chị không tìm ra được ý nghĩa nụ cười của Chị; người ta không thể thấy thánh giá nấp ẩn dưới chùm hoa" (H. Petilot, OP., Ste Thérèse de Lisieux, trang 230).

Theo một nghĩa rất xác thực, chấp nhận những thánh luật hay vào Dòng Kín đã là một cuộc tử đạo rồi, bởi lẽ còn hiến lễ nào đáng giá hơn là hy sinh tất cả thú vui trần thế, cắt đứt mọi liên hệ trần tục vì tình yêu Chúa? Giả như Têrêsa đã coi ơn gọi của Chị như một đặc ân, không phải là một hy lễ, thì điều đó cũng không mất đi ý nghĩa hy sinh, nói theo nghĩa thông thường. Nhưng biết bao người hời hợt! Họ dễ dàng để mình lôi cuốn theo vẻ bên ngoài! Theo nhận xét của Cha Mateo Crawley Hoevey, còn có những người tưởng rằng Chị Thánh đáng yêu của chúng ta sống trong Dòng Kín như con chim hoạ mi trong vườn hoa, tung tăng hót ca tình yêu dịu dàng của Chúa đối với Chị và của Chị đối với Người. Phải, Chị giống như chim hoạ mi, nhưng chúng ta đừng quên rằng, như con hoạ mi, Chị hót giữa bụi gai:

"Dù phải hái những bông hồng giữa bụi gai, con vẫn luôn ca hát, và tiếng hát của con lại càng du dương nếu gai càng dài càng nhọn" (Một Tâm Hồn).
 

  Về đầu trang

 

12. Tâm sự

Một hôm Têrêsa nghe một chị bạn nhận xét: "dư luận nói rằng Chị không phải đau khổ bao giờ". Chị mỉm cười, chỉ tay vào cốc đựng nước thuốc đỏ chói:

"Chị xem này, chiếc ly đây người ta tưởng là đựng nước ngọt ngào lắm mà kỳ thực em không lấy gì làm cay đắng hơn. Đó chính là tượng trưng cuộc đời em: ai cũng cho là tươi như hoa, ai cũng ngỡ là được uống những của ngon lành mỹvị, mà thực cay đắng chừng nào! Nhưng cay đắng mà đời em vẫn được thấy ướp hương vị dịu ngọt, em đã biết gia giảm của đắng ấy thành chất ngon lành thơm tho" (MTH).

Lời tâm sự ấy làm cho chị bạn ngạc nhiên và đã cho chúng ta thấy tất cả con người của Chị Thánh. Chị giúp chúng ta có một tư tưởng về bản thân không thể thiếu được của Chị, cho phép chúng ta kéo chiếc màn che kín nhân cách Chị. Dường như trong mảnh đất kỳ diệu tâm hồn Chị, chúng ta phát hiện ba lớp kế tiếp nhau:

Lớp thứ nhất, ngoài mặt, tượng trưng bằng nụ cười dễ thương của Chị. Chị Têrêsa có vẻ như một đứa trẻ tinh khôn, vô tư. Diện mạo của Chị làm tôi nhớ đến một bài thơ của Tử Tư:

Từng dãy từng dãy hoa,

Trong mảnh vườn bà Hoàng.

Những cụm hoa san sát,

Vô số hoa nở xinh.

Những cánh bướm lượn quanh,

Vô tư cùng nhảy múa,

Với những chú hoàng anh,

Bài Tự Do say hát!

Thêm một lớp nữa là lớp thứ hai, đầy đắng cay, lạt lẽo, thất vọng. Tôi còn nhớ bài ca Mùa Thu của Chi Chi:

Khi tôi còn nhỏ tuổi,

Chưa biết khổ là chi,

Tôi thích lên sân thượng,

Nhìn xem khắp bốn phương

Để ca bài ca mới,

Thêm một chút đau thương,

Bây giờ tôi đã uống:

Hết mọi nỗi khổ đau,

Tôi thấy mình bất lực,

Tìm lời diễn tả thêm,

Tôi chỉ nói được rằng:

Thu ơi! Thu đẹp, thu xinh dường nào!

Nỗi khổ đau, thất vọng, lạt lẽo, tan nát tâm can được biểu lộ ra trong đoạn thơ trên, êm đềm gần như thinh lặng! Đó chính là điểm tôi nhận thấy nơi tâm hồn Têrêsa ở lớp thứ hai:

Vào tới lớp thứ ba, tận nơi sâu thẳm, đó là sự an bình, yên tĩnh, bất biến, không hề lay chuyển dù phong ba khuấy động cảm tính vô cùng tế nhị của Chị. Ở đó, Têrêsa giữ kín nguồn an vui, một thứ an vui thấm qua đau khổ, như qua lớp cát, rồi bộc phát ra những nụ cười đã được chưng cất, đôi khi hài hước nữa. Không có lớp cát ấy, nụ cười không thể trong sáng, dịu hiển như thế. Không có nguồn vui vô hình ấy, nụ cười trở thành lố bịch như cái nhếch mép của người điên. Nhờ có lớp cát và nguồn an vui trong lòng, Chị vừa say sưa lại vừa tiết độ! Chính Chị cũng cảm thấy như thế: "Phải nói rằng: nguồn an vui ở tận đáy lòng tôi" (x. H. Petilot, OP., Sđd, trang 280). Chị đã có một niềm an vui sâu thẳm súc tích và trưởng thành biết bao! Trong tâm hồn thơ trẻ của Chị, chất chứa những đau khổ của mọi lứa tuổi đời và niềm an vui của vĩnh cửu.
 

  Về đầu trang

 

13. Luận lý tình yêu

Tôi thú nhận rằng tôi phải ngạc nhiên về một vài tư tưởng của Chị Têrêsa, những tư tưởng thật đẹp đẽ, sáng sủa. Nhưng không ai ngạc nhiên hơn là chính Chị:

"Từ khi con ở trong cánh tay Chúa Giêsu, con như người canh gác từ trên tháp cao của lâu đài vĩ đại coi chừng kẻ thù. Không gì thoát khỏi cặp mắt chú ý của con, thường thường con ngạc nhiên thấy mình xem rõ đến thế" (H. Petitot, Sđd, trang 229-230).

Đức khiêm nhường của Chị không những là một tình cảm của trái tim, mà còn là một xác tín dựa trên nhận thức về sự hư không của mình trước mặt Đấng Chị yêu mến. Chị cảm nghiệm và tưởng nhớ đến sự hiện diện của Chúa luôn. Chị có những cái nhìn rất minh bạch nhưng cần được diễn tả bằng hình ảnh. Đây là một ví dụ mà một chị kể lại cho chúng ta:

"Chị Thánh thường hay nói chuyện với tôi về một đồ chơi thông thường mà Chị Thánh đã thích chơi hồi còn nhỏ: chơi ống dòm, thứ ống gọi là kính vạn hoa, mà người ta nhìn thấy ở đầu kia rất nhiều hình ảnh tươi đẹp, màu sắc thay đổi hầu như vô cùng, chỉ cần xoay vần cái ống đi một chút là thấy sự lạ lùng ấy. Chị Thánh nói rằng: cách chơi ấy làm em lạ lắm, em vẫn tự vấn làm sao lại có thể diễn ra được những hiện tượng diễm lệ quá như vậy. Và một ngày kia, sau khi đã khảo sát cặn kẽ, em đã nhận thất thật là đơn giản: có gì đâu, vài miếng giấy vụn và vải vụn để lộn xộn ở đầu ống. Còn cái ống thì là 3 miếng kính ghép lại với nhau theo hình tam giác đặt nằm trong ống. Manh mối chỉ có thế thôi mà đã phát sinh những hiệu quả rất lạ lùng. Với em, đó là hình ảnh một mầu nhiệm cao cả: bao lâu những việc ta làm, dù là những việc nhỏ, rất nhỏ mọn, nếu đã làm vì lòng mến Chúa Ba Ngôi, hình dung bằng 3 miếng kính ghép lại và phản chiếu vào những việc nhỏ mọn ta làm, thì những việc đó sẽ trở nên xinh đẹp vô vàn và quý giá lạ lùng. Chúa Giêsu, qua miếng kính nhỏ, nghĩa là qua chính mình Người, Người nhìn chúng ta, nhận thấy tất cả những cử chỉ nhỏ nhất của chúng ta đều đẹp và đẹp mãi; nhưng nếu lệch ra ngoài trung tâm là lòng yêu mến, thì chúng ta và những hành động,những cử chỉ của chúng ta sẽ thành cái gì? Thưa, chúng ta sẽ thành những cái máy vô hồn, và những hành động, những cử chỉ của chúng ta sẽ thành vẩn rác, những đầu thừa đuôi thẹo, những việc bần tiện không có giá trị nào hết" (Một Tâm Hồn).

Tình yêu đã mở mắt Chị Têrêsa khi nhìn thấy những chân lý mới mẻ, những lý lẽ mới mẻ trong tình yêu Chúa Giêsu. Không tội lỗi ghê gớm như Madalena, không cần được tha thứ nhiều như Madalena. Vậy phải chăng Chị yêu ít hơn? Không phải thế, Chị còn yêu nhiều hơn nữa, bởi vì tình yêu có những lý lẽ mà các nhà toán học cũng không biết được:

"Chúa Giêsu muốn con yêu Người, Chị nói, Không phải vì Người tha thứ cho con nhiều, mà tha thứ cho con tất cả. Người còn tha thứ cho con trước khi con phạm tội nữa".

Dường như Chị Têrêsa trực giác được những điều mà các nhà thần học phải mất bao công lao diễn dịch. Theo thánh Thomas Aquino, "gìn giữ loài người khỏi tội lỗi là việc của Thiên Chúa, một đặc ân cũng lớn lao như tha thứ tội lỗi mà loài người đã phạm vậy". Thánh Augustinô đã viết trong cuốn Tự Thuật: "Con phải cảm tạ lòng lân tuất Chúa vì đã xoá tan mọi tội lỗi nơi con. Con cũng phải cảm tạ Chúa vì đã gìn giữ con khỏi những tội lỗi mà con đã không phạm". Còn thánh Têrêsa thì đi xa hơn một chút; Chị không nói "một đặc ân cũng lớn lao hơn", nhưng Chị đã làm sáng tỏ chân lý sâu xa này bằng một ví dụ đơn sơ như sau:

"Ví dụ ông bác sĩ danh giá kia có cậu ấm đi đường vấp phải đá, ngã gãy tay. Tình cha thương con, khiến ông bác sĩ vội vã chạy lại nâng cậu ấm dậy, thương xót, xoa bóp và băng bó. Ông dùng mọi phương dược để chữa cho con chóng lành. Qua ít bữa, tay cậu ấm khỏi hẳn. Cậu biết ơn cha vạn bội: đành rằng cậu có lý để yêu mến cha cậu, nhưng còn cô em sau đây thì sao? Cha cô biết trước rằng quãng đường con gái cưng của mình sẽ đi có một khối đá nguy hiểm nằm ngang giữa đường, cha cô liền chạy trước lăn khối đá ấy ra bên cạnh mà không ai biết. Chắc chắn cô em được cha âu yếm quan phòng chu đáo như thế, nhưng vì không biết gì đến tai nạn được thoát khỏi, nên cô không yêu cha cô bằng cậu ấm ngã gãy tay được cha chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu cô em được nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, hiểu được tình cha thương, thì hỏi rằng cô có yêu cha hơn cậu ấm gấp bội không?" (Một Tâm Hồn).

Tôi tưởng tượng Thiên Chúa nhẹ đặt tay trên vai Têrêsa và bảo: "Con yêu dấu, đúng thế, chính con yêu Cha và con cần yêu Cha như là không bao giờ Cha đã được ai yêu. Con không bao giờ thiếu lý lẽ để biện minh tình yêu của con. Con là một nhà luận lý tuyệt vời! Chính tình yêu đã đào tạo con yêu dấu của Cha!".

 

Về đầu trang
 

14. Sống chết trong tình yêu

Với một đức tin sống động nhờ một tình yêu mãnh liệt và sáng lạn, cũng như nhờ có một quan niệm sống rõ ràng, không lạ gì Chị Têrêsa đã thắng sự chết trước khi chết. Khi một Soeur xin Chị cho phép khóc cái chết của Chị, Chị đã khiển trách khéo léo: "Chị khóc hạnh phúc của em sao?" (Một Tâm Hồn). Cha tuyên uý nhà dòng hỏi Chị: "Con có cam lòng chịu chết không?", Chị trả lời: "Ôi chao! Con thầm nghĩ chỉ phải cam lòng sống, chứ được chết thì con mừng rỡ lắm" (Một Tâm Hồn). Chị đã vượt lên trên sự sống và sự chết.

"Sống hay chết là gì đối với con? Hạnh phúc độc nhất của con là yêu Chúa" (Một Tâm Hồn).

Chị đã có những tâm tình này vì Chị đã đạt tới một mức sống siêu nhiên trong đó ý muốn nhân loại chan hoà với ý muốn Thiên Chúa:

"Con không yêu vật này hơn vật kia. Điều mà Chúa nhân lành yêu hơn và đã chọn cho con, đó chính là điều mà con thích thú hơn".

Trong những tháng sau cùng ở dương thế, có lần Chị đã nói một câu đánh động đáy lòng tôi:

"Giả như Chúa nhân lành nói với con: nếu con chết bây giờ, con sẽ được một vinh hiển rất lớn; nếu con chết lúc 80 tuổi, vinh hiển con sẽ kém hơn, nhưng lại đẹp lòng Cha. Ồ! Con sẽ không ngần ngại trả lời: 'Lạy Chúa, con muốn chết lúc 80 tuổi vì con không tìm vinh hiển cho con, mà chỉ muốn làm đẹp lòng Chúa'" (L'esprit de la Ste Thérèse, trang 36).

Chị đã yêu Chúa một cách quảng đại đến nỗi, nếu có thể, Chị muốn hy sinh cả hạnh phúc Nước Trời. Ngày nay nếu còn sống, Chị rất hài lòng sống trong Dòng Kín Lisieux như một bông hoa ẩn náu không ai biết đến. Nhưng Thiên Chúa đã muốn gọi Chị về vào giữa tuổi 24 và cho Chị nên một đại thánh. Giờ đây phải chăng Chị đang an nghỉ trong cánh tay Bạn Tình Chí Thánh? Không, "vì các linh hồn, Chị sốt sắng không thể ngồi yên được" (Sđd, trang 13).

Chị muốn về trời để làm việc lành cho trần thế. Chị nói:

"Nhất định con không nghỉ tay cho đến ngày tận thế! Nhưng đến ngày mà thánh thiên thần loan báo: 'Hết giờ rồi!' (Kh 10,6), con mới chịu nghỉ tay mà hưởng phúc vui vẻ vì khi ấy số kẻ Chúa chọn về thiên đàng đã đầy đủ" (Một Tâm Hồn).

Trên trời cũng như dưới trần gian, bông hoa nhỏ của Đức Giêsu luôn yêu Người với một tình yêu sâu đậm, đến nỗi Chị không thoả mãn về tình yêu của Chị. Chị muốn thông truyền tình yêu Đức Giêsu cho triệu triệu tâm hồn: "Con kêu mời các thánh thiên thần và toàn thể các thánh tới hát những bản thánh ca tình ái". Và cho dù tất cả tạo vật hợp tất bản nhạc sống động này, Chị vẫn coi đó là một giọt nước nhỏ trong đại dương vô bờ bến của Tình Yêu Chí Thánh, Chị vẫn còn những tình cảm của một đứa con thơ đối với mẹ mình.

Phải chăng chúng ta dám nói rằng: trong một ngọn cỏ tâm hồn Chị, đã phản ánh tất cả một Mùa Xuân huy hoàng rực rỡ?

 

Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu

 

- Sinh năm 1873 tại Alencon, nước Pháp.

- Là con gái út của ông Louis Martin và bà Marie Gúerin (hai ông bà sinh được 9 người con: 2 trai, 7 gái; 2 con trai và 2 con gái đầu lòng chết lúc còn nhỏ, 5 con gái còn lại đều đi tu Dòng Kín và Dòng Thăm Viếng).

- Mồ côi mẹ lúc lên 4 tuổi, được các chị nuôi dưỡng thay mẹ. Sau đó gia đình dời về Lisieux.

- Lên 9 tuổi lúc chị Pauline vào Dòng Kín (Têrêsa thường gọi chị là "mẹ nhỏ").

- 14 tuổi, Têrêsa cho cha biết ý muốn đi tu Dòng Kín.

- 15 tuổi (năm 1888) vào Dòng Kín sau khi đã vượt qua nhiều gian nan thử thách.

- 24 tuổi qua đời vì bệnh phổi ngày 30.9.1897.

- 28 năm sau được tôn phong hiển thánh (năm 1925) và được công bố là bổn mạng các xứ truyền giáo.

- Lễ mừng ngày 01.10.

 

YÊU, nguyên tác Anh ngữ, nhan đề The Science of Love, đăng trong Thiên Hạ nguyệt san, được in thành tập nhỏ, do Catholic Truth Society, Hong Kong, xuất bản năm 1940. Tái bản tại Hoa Kỳ năm 1944 do Our Sunday Visitor Press, Huntington, Indiana. Bản dịch Pháp ngữ, nhan đề La Science de l'Amour, xuất bản tại Thượng Hải năm 1940, do Cha Goetan de Raucourt SJ. Bản Pháp ngữ được Cha Guillaume de Pierrefeu, SJ. sửa lại và đăng trong báo Rythmes du Monde, tháng 2 năm 1947, số 1, trang 72-90. Bản dịch Việt ngữ của Thạch Sơn, xuất bản năm 1967 với nhan đề Khoa Tình Ái. Bản Việt ngữ được sửa lại năm 1996 để phổ biến nội bộ, nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu qua đời (1897-1997).


Tác giả: Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT