TRỰC TIẾP

THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B | 17:30 NGÀY 5-5-2024 | TRUNG TÂM MỤC VỤ TGPSG

XIN GIÚP XÂY DỰNG NHÀ THỜ

* Xin giúp xây dựng nhà thờ Họ đạo Chợ Lách - Giáo phận Vĩnh Long
* Xin giúp xây dựng nhà thờ Bảo Thạnh - Giáo phận Vĩnh Long

BÀI VIẾT MỚI

5 phút lời chúa - tháng 5/2024

 


01/05/24 thứ tư đầu tháng tuần 5 ps
Th. Giu-se Thợ
Mt 13,54-58

 

con bác thợ giu-se

“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,54-55)

Suy niệm: ‘Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa’. Trong một xã hội coi lý lịch là yếu tố tối quan trọng trong việc xác định vị thế của một người, thì  con người tên Giê-su, con bác thợ Giu-se, đồng hương với họ, mãi mãi vẫn sẽ là một bác thợ quèn, sao dám chơi trội lên hàng thượng lưu, trí thức? Bởi thế những lời giảng dạy khôn ngoan, những phép lạ diệu kỳ của Đức Giê-su lại trở thành một hiện tượng gây sốc, một cớ vấp phạm đối với họ. Nhưng điều thế gian cho là điên dại, yếu kém thì Thiên Chúa lại dùng để tỏ rõ sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài (x. 1Cr 1,17-25). Quả vậy, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, kế thừa danh hiệu “con bác thợ” từ thánh cả Giu-se, chẳng những để chia sẻ cuộc sống với những người hèn mọn nhất trong xã hội, mà còn để phục hồi sứ mạng của nhân loại lao động để “thống trị trái đất” (St 1,28). Và qua bàn tay lao động của Ngài, nhất là khi “Giê-su, con bác thợ” chịu đóng đinh trên cây gỗ, những việc lao công hèn mọn nhất cũng có giá trị thánh hoá và đem lại ơn cứu rỗi.

Mời Bạn: Bạn thật diễm phúc vì dù bạn là người có địa vị, hoặc chỉ là một người vô danh hèn mọn, những công việc phục vụ âm thầm, nhỏ bé của bạn cũng được thánh hoá và có giá trị vô song khi bạn hành động cùng với Đức Giê-su Ki-tô và trong tinh thần hiến thân của Ngài.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi tham dự thánh lễ, bạn dâng lên Chúa những việc phục vụ và bổn phận hằng ngày của bạn kết hợp với hy lễ của Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, xin cho con biết yêu quý những gì hèn mọn, để nên giống Chúa hơn. Amen. (x. Rm 12,16)


02/05/24 thứ năm đầu tháng tuần 5 ps
Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 15,9-11

 

ở lại trong tình yêu chúa

“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9)

Suy niệm: “Ở lại trong tình yêu của Chúa” thực ra có nghĩa là gì? Các nhà thần học nói đó là một ‘kinh nghiệm thần bí’ mà đại đa số chúng ta chỉ hiểu một cách lờ mờ. Câu trả lời của Đức Giê-su thật đơn giản để những tâm hồn đơn sơ nhất cũng có thể lĩnh hội: nó giống như tình trạng cành nho gắn liền với thân nho, nhận lấy nhựa sống từ thân nho để sống, nhờ đó cành nho có thể trổ sinh hoa trái. Nhất là, chỉ vì yêu thương - chỉ vì “Chúa Cha yêu mến Thầy, và Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”, - mà Đức Giê-su cũng muốn cho chúng ta được hưởng điều đó. Đồng thời, Ngài còn dạy chúng ta phương thế để có thể ở lại trong tình yêu của Ngài, đó là: “Hãy tuân giữ các điều răn của Chúa”. Thánh Gio-an cho biết: ai mến Chúa thì giữ các điều răn của Chúa, “mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu?” (1Ga 5,3).

Mời Bạn: ‘Yêu mến Chúa-thực thi lời Ngài-ở lại trong tình yêu của Ngài’ đó là một chuỗi liên hoàn duy nhất làm nên đời sống người Ki-tô hữu. Bạn có thể thực hành chuỗi liên hoàn ấy như sau: ngay khi thức giấc, bạn nhớ tới Chúa và xin Ngài thánh hoá ngày mới của mình; dành ít phút để suy niệm một câu Lời Chúa để mọi việc trong ngày, bạn thuận theo ý Chúa; thường xuyên tham dự thánh lễ và rước Chúa để bạn luôn có Chúa ở với bạn; và v.v… Bạn sẽ bắt đầu chuỗi liên hoàn đời sống Ki-tô hữu của bạn bằng việc gì?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút viếng Thánh Thể hoặc thinh lặng suy niệm 1 câu Lời Chúa và xin được ở lại trong tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tỏ tình thương của Chúa cho chúng con và xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.


03/05/24 thứ sáu đầu tháng tuần 5 ps
Th. Phi-líp-phê và Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14

 

đi trên con đường giê-su

Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không  qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14,6-7)

Suy niệm: Con đường nào cũng thường mang một cái tên, và đưa ta đến một đích điểm. Nhà thơ Razul Gamzatov (+2003) nói đến một con đường đặc biệt:

  Trên trái đất đường đi không kể xiết

  Đường dài lâu, gian khó cũng rất nhiều.

  Nhưng anh hiểu, khó và dài hơn hết,

  Là con đường ta vẫn gọi: tình yêu

Con đường khó và dài, con đường tình yêu ấy chính là đường đưa ta về quê trời; con đường ấy phải có một cái tên: đường Giê-su. Đường Giê-su không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con người: “Ta là Con Đường”. Đường Giê-su thật độc đáo, bởi vì Đức Giê-su không đưa ra một số giáo lý phức tạp phải tin, một mớ điều răn phải giữ để đi đường, Ngài chỉ ban cho ta một điều răn: yêu nhau như Ngài đã yêu ta. Hơn nữa, Ngài còn cầm tay ta và cùng bước đi với ta trên con đường mang tên Giê-su ấy.

Bạn nhớ rằng trên đường Giê-su, bạn chỉ có một hướng dẫn viên lữ hành: chính Đức Giê-su; bạn chỉ có một bản đồ: đó là tình yêu. Nếu muốn về quê trời, bạn hãy bước đi trên đường Giê-su, theo hướng dẫn viên Giê-su và với tấm bản đồ tình yêu.

Sống Lời Chúa: Đứng trước một hoàn cảnh trái ý, tôi sẽ phản ứng theo cung cách yêu thương mà Đức Giê-su đã dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin rằng chỉ có Chúa là Con Đường đưa chúng con đến sự sống vĩnh cửu, đến quê trời ước mong. Chúng con nguyện sẽ cầm chắc tay Chúa, để Chúa dắt đi trên con đường mang tên Chúa: con đường Giê-su. Amen.


04/05/24 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,18-21

 

BỊ GHÉT VÌ MANG DANH ĐỨC KI-TÔ

“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15,18)

Suy niệm: Trước khi chịu khổ hình, Chúa Giê-su đã cảnh báo: số phận người môn đệ của Ngài là sẽ bị thế gian ghét. Lý do thật rõ ràng và lô-gích: Họ ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà lại thuộc về Ngài; cho nên nếu thế gian “ghét Chúa Ki-tô” thì cũng ghét luôn các môn đệ của Ngài. Đây quả là thách đố tất yếu cho những ai “mang danh Chúa Ki-tô”. Dù ở thời đại nào, người Ki-tô hữu vẫn luôn “bị ghét”: từ việc bị chế diễu, nhạo báng, đến chỗ bị đối xử bất công, bị chế tài trong đời sống xã hội, thậm chí bị bắt bớ, đánh đập giết chết cách tàn nhẫn. Họ chấp nhận những thách đố đó vì trung thành với danh nghĩa Ki-tô hữu, và kiên định làm chứng cho những giá trị Tin Mừng.

Mời Bạn: Ngày nay, các ki-tô hữu hiếm khi phải chịu cảnh đầu rơi máu đổ; nhưng những bách hại đời thường vẫn không thiếu. Đó là khi chúng ta dám chịu chế nhạo, thiệt thòi những quyền lợi xã hội, hoặc bị tù tội vì trung thành sống trung thực, thượng tôn công lý, bảo vệ sự sống cũng như sự chung thuỷ trong hôn nhân. Thánh Phê-rô căn dặn đừng có ai để “bị ghét” vì làm điều gian ác, nhưng nếu “phải chịu khổ vì danh hiệu Ki-tô hữu thì đừng xấu hổ” nhưng hãy “hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Ki-tô” (1Pr 4,15-16; Cv 5,41).

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn chọn thực thi một điều trong 8 mối phúc thật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tạ ơn Chúa vì con được mang danh Ki-tô hữu. Xin cho con luôn ý thức mình thuộc về Chúa chứ không thuộc về thế gian để con luôn trung thành làm chứng cho những giá trị Tin Mừng. Amen.


05/05/24 chúa nhật tuần 6 ps – b
Ga 15,9-17

 

thực thi điều răn của thầy

“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15,10)

Suy niệm: Chúa Giê-su từng công khai chỉ trích giới lãnh đạo Do Thái vì họ “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8): Quả thật, họ không chỉ đặt ra những giới luật nặng nề hình thức và áp đặt lên dân chúng, mà họ còn giải thích sai lệch để bãi bỏ việc tuân thủ chính đáng các giới răn. Chúa Giê-su đòi buộc các môn đệ muốn được diễm phúc “ở  lại trong tình thương của Thầy” thì phải giữ các giới răn, nhưng không phải là “giới luật của phàm nhân” mà là “giới răn của Chúa”. Đồng thời Ngài cho biết ‘bí quyết’ để nhận biết mình đang thực thi “điều răn của Chúa” đó là “yêu thương như Chúa yêu thương”, là dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Bất cứ giới răn nào không có chỗ cho tình thương thì đó không phải là điều răn của Thiên Chúa. Nói tắt, “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Bạn thân mến, bất cứ bạn làm điều gì, dù xét theo khách quan, có tốt đẹp mấy đi nữa, nếu không phát xuất từ động lực sâu xa nhất là tình yêu Thiên Chúa, thì hầu chắc là bạn đã không thực thi giới răn của Chúa rồi.

Sống Lời Chúa: Trước khi hành động, nói năng hay suy nghĩ gì, bạn hãy chậm lại một giây thôi để loại trừ mọi hờn giận, ghen ghét, oán thù ngõ hầu chỉ còn tình yêu Chúa làm động lực hướng dẫn đời sống bạn mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết nhận ra tình yêu của Chúa trong mọi khoảnh khắc, để đến lượt con, con cũng biết trao ban tình yêu trong mỗi việc con làm.


06/05/24 thứ hai tuần 6 ps
Ga 15,26-16,4a

 

cùng thánh thần làm chứng cho chúa ki-tô

“Đấng Bảo Trợ… là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15,26-27)

Suy niệm: Ngay lúc sắp chịu khổ hình Đức Giê-su giao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng về Ngài. Lời chứng chỉ đáng tin khi người làm chứng là người trực tiếp chứng kiến, và hơn nữa họ hoàn toàn xác tín nói lên điều mà chính họ đã “mắt thấy tai nghe” (x. Cv 4,20). Nhiệm vụ làm chứng cho Đức Ki-tô được giao cho các môn đệ thật là thích đáng bởi vì các ông “ở với Chúa ngay từ đầu”. Nhưng nhiệm vụ cao cả đó có thể trở nên bất khả thi bởi vì vô vàn khó khăn thách đố: Thế gian ghét Đức Ki-tô thì họ cũng ghét các môn đệ Người. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ được sai đến để họ cùng với Ngài làm chứng cho Đức Ki-tô. Tại công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49, các tông đồ đã tuyên bố như thế: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28).

Mời Bạn: Ở với Chúa Ki-tô, cùng với Chúa Thánh Thần là điều kiện thiết yếu để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Làm chứng cho Chúa không chỉ là việc truyền đạt một thông tin, mà còn là dám sống và dám chết cho niềm tin ấy. Hiệp cùng Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện, và trình bày Đức Ki-tô trước hết qua những cử chỉ, hành vi và cả sự hiện diện thể hiện tình yêu thương, đó là cách làm chứng hiệu quả mà lời nói suông không thể làm được.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với ý hướng làm chứng cho Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức mạnh để chúng con cùng với Chúa làm chứng rằng Đức Ki-tô chính là Đấng cứu độ trần gian. Amen.


07/05/24 thứ ba tuần 6 ps
Ga 16,5-11

 

điều lợi khi thầy ra đi

“Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em.(Ga 16,7)

Suy niệm: Đức Giê-su ra đi, Người sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa, giống như “gió, muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), Ngài có thể “thổi” cùng một lúc ở nhiều nơi khác nhau, trên nhiều tâm hồn khác nhau. Như vậy Ngài có thể làm cho con người và cho cả Giáo Hội trở nên sống động. Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Bảo Trợ sẽ làm công việc của một người Thầy: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Chúa Thánh Thần như người thầy, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giê-su. Vai trò thầy dạy của Chúa Thánh Thần là soi sáng cho các môn đệ hiểu những gì Thầy Giê-su nói và làm mà các ông chưa hiểu hay hiểu chưa hết.

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng vô hình, nhưng luôn hoạt động một cách sống động và hiệu quả trong Giáo Hội và trong mỗi người. Chúa Thánh Thần chỉ dẫn và thôi thúc chúng ta thực hành giáo lý Đức Giê-su muốn truyền đạt. Vì thế nếu chúng ta mở rộng đôi tai tâm hồn để đón nhận thì sẽ nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận biết quả thật việc Đức Giê-su về cùng Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần đến là có lợi cho chúng ta.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dành một giây thôi để lắng nghe Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn biết phải làm thế nào cho đúng ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần đến tác động và làm thầy dạy chúng con ngõ hầu chúng con đạt được điều ích lợi mà Đức Giê-su muốn cho chúng con. Amen.


08/05/24 thứ tư tuần 6 ps
Ga 16,12-15

 

mầu nhiệm và sự hữu hạn

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16,12)

Suy niệm: Để diễn tả sự bất lực của con người khi đứng trước mầu nhiệm không thể đạt thấu của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 42,8). Lời đó nói lên cảm nghiệm của người chưa đi xuống đến đáy vực thẳm này đã lại thấy mở ra vực thẳm khác. Một trong những “vực thẳm” tức là những “điều” mà bây giờ các tông đồ “không có sức chịu nổi” chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trung tâm của niềm tin Công Giáo, một điều chưa một ai dám khẳng định rằng mình có thể hiểu và giải thích được. Thật vậy, Chúa biết rằng với trí hiểu của loài người thì các tông đồ không thể hiểu hết dù cho Chúa có giải thích cách nào đi nữa. Chỉ khi nào “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”

Mời Bạn: Nhưng đã ngót hai ngàn năm rồi, mà “sự thật toàn vẹn” về Chúa Ba Ngôi mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm…! Trong thân phận thọ tạo, chúng ta chỉ có thể hiểu được những gì thuộc khả năng giới hạn của mình. Vì thế chúng ta chỉ có thể khiêm tốn cúi đầu thờ lạy Chúa, và nghe theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc sống Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương Chúa đã dạy. Đó là cách thức mỗi ngày đi sâu vào sự hiểu biết mầu nhiệm cao cả này.

Sống Lời Chúa: Hãy trung thành thực hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi cách cụ thể ngay trong gia đình hay cộng đoàn mình đang sống qua việc phục vụ nhau bằng tình yêu và khả năng riêng biệt Chúa ban cho mỗi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như tình yêu trong Chúa Ba Ngôi.


09/05/24 thứ năm tuần 6 ps
Ga 16,16-20

 

nỗi buồn thánh

“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)

Suy niệm: Trong ca khúc “Và con tim đã vui trở lại, nhạc sĩ Đức Huy nói lên tâm sự của người muốn “tìm một con đường, tìm một lối đi”, nhưng vì thiếu niềm tin định hướng, họ “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai” và chạy theo cuộc vui chóng tàn: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi, một mình tôi về nhiều lần ướt mi.” Và rồi, những cuộc vui như thế chẳng mấy chốc lại trở thành nỗi buồn bởi vì nó không lấp đầy được sự trống trải của tâm hồn cũng không trút bỏ được cái gánh trĩu nặng của tội lỗi. Chúa Giê-su báo trước các môn đệ của Ngài sẽ phải đối mặt với nỗi buồn thống thiết nhưng rồi nỗi buồn ấy sẽ trở thành niềm hoan lạc vô bờ: buồn với Thầy trong nỗi thương đau của cuộc khổ nạn để rồi sẽ vui với Thầy trong niềm hoan lạc Phục Sinh.

Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, chúng ta cảm thấy buồn vì làm mất lòng Chúa, xa Chúa. Để “con tim vui trở lại” phải biết buồn vì tội lỗi, tức là sám hối trở về, Chúa sẽ biến nỗi buồn ấy trở thành niềm vui vì được giao hòa với Chúa và sống trong tình yêu của Ngài. Bạn hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để thống hối, buồn để quay gót trở về, gặp Chúa Phục Sinh, đó là nỗi buồn thánh và mang lại niềm vui trong Chúa thật sự. Bạn có cảm nghiệm niềm vui đó sau một lần xưng tội sốt sắng không?

Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu, bắt đầu từ tật xấu lớn nhất.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa con, chính con trông cậy ở Ngài. Lạy Chúa, lạy Chúa con, hãy đưa con về sống trong niềm vui.”

(Lời bài ca “Sống trong niềm vui” của Nguyễn Duy)


10/05/24 thứ sáu tuần 6 ps
Th. Gio-an A-vi-la, linh mục, tiến sĩ HT
Ga 16,20-23a

 

niềm vui không thể mất

“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui cua anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16,22)

Suy niệm: Măng chua nấu với ngạnh nguồn, sự đời đắp đổi khi buồn khi vui.’ Cuộc sống con người buồn vui chen lẫn, cần biết thế để luôn giữ được cái tâm thanh thản đứng trước mọi nghịch cảnh. Như Chúa Giê-su báo trước, các môn đệ buồn sầu đau đớn khi chứng kiến cuộc thương khó của Ngài, nhưng họ sẽ vui mừng khi Ngài sống lại. Môn đệ Chúa cũng sống với cái buồn vui lẫn lộn. Nhưng có điều là nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Và niềm vui đó là niềm vui trong Chúa Ki-tô phục sinh, niềm vui chiến thắng sự chết, niềm vui được tái tạo trong đời sống mới. Niềm vui của họ chỉ có Chúa mới ban cho và không gì cướp mất đi được.

Mời Bạn: Chúa Ki-tô đã chết, đã sống lại và còn đang sống giữa chúng ta hôm nay. Ngài đang cùng chúng ta thi hành sứ vụ cứu thế trong một xã hội toàn cầu hóa nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, sâu rộng. Chúng ta được kêu mời để sống và chia sẻ niềm vui phục sinh ngay trong những hoàn cảnh tăm tối nhất, đau đớn nhất của đời sống cá nhân và xã hội. Không ki-tô hữu nào cho phép mình sống trong tâm trạng thất vọng về tương lai của mình và người khác.

Sống Lời Chúa: Bạn luôn tâm niệm: Bình an và niềm vui đích thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Tôi xa tránh những gì làm tôi xa Chúa.

Cầu nguyện: Ôi lạy Chúa Giê-su! Chúa đã ở trong mồ đá ba ngày, nhưng nay Chúa đã sống lại. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con. Xin Chúa chiếm hữu và làm cho chúng con thuộc về Chúa để chúng con luôn sống trong niềm vui của Chúa. Amen.


11/05/24 thứ bảy tuần 6 ps
Ga 16,23b-28

 

cầu xin nhân danh đức giê-su

“Cho đến nay anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui anh em nên trọn vẹn.” (Ga 16,24)

Suy niệm: Là con người hữu hạn cầu xin cho những nhu cầu chính đáng của mình không có gì sai: xin cho mình, cho gia đình được bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc, cho công ăn việc làm phát đạt, cho việc học hành thành công… Có nhiều điều cần, nên cũng có nhiều điều phải cầu xin. Theo tính tự nhiên, người ta có xu hướng cầu xin những nhu cầu vật chất và ở đời này; và người ta thường kiểm chứng việc đáp trả của Thiên Chúa qua việc họ được như ý hay không. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhắc bảo chúng ta hãy cầu xin nhân danh Ngài, nghĩa là nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài. Mà Chúa Giê-su, Con Yêu Dấu của Chúa Cha, thì cầu xin “đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Cầu xin nhân danh Đức Giê-su là xin vâng theo ý Chúa Cha đồng thời nỗ lực thực hiện trọn vẹn ý Chúa Cha, nói cách khác, là để Ngài cầu xin trong chúng ta vậy.

Mời Bạn: Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.” Phải chăng đó là sứ điệp Chúa gửi đến nhắc nhở chúng mình, khi mà 24 giờ/ngày, chúng ta cứ bôn ba nhiều chuyện và bỏ quên cầu nguyện hoặc không kết hiệp với Ngài trong lời cầu nguyện? Còn bạn, bạn làm gì khi thấy dự định của mình không khớp với chương trình của Chúa hoạch định?

Sống Lời Chúa: Dành một giây để hướng lòng về Chúa trước khi làm mọi công việc lớn nhỏ của bạn hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tình yêu sống động, để dù sống giữa những vội vã bon chen của cuộc sống vì cơm-áo-gạo-tiền, con luôn dâng mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của con đều VÌ DANH CHÚA mà thôi. Amen.


12/05/24 chúa nhật tuần 7 ps - b
Chúa Thăng Thiên
Mc 16,15-20

 

sứ mạng mới

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,19-20)

Suy niệm: Xem ra việc phục sinh là thời cơ để Chúa tung ra một chiến dịch phục hồi uy tín của Ngài đã bị tiêu tan khi Ngài chịu tử nạn. Nếu việc làm cho La-da-rô sống lại đã khiến nhiều người Do thái tin vào Chúa, thì nay đích thân Ngài quảng bá việc Ngài đã chết rồi nay phục sinh như lời Ngài đã báo trước, ắt là kết quả còn ngoạn mục biết chừng nào. Thế sao Chúa Giê-su lại ‘vội vã’ về trời, ‘đùn đẩy trách nhiệm’ cho các tông đồ đang lúc công việc loan báo Tin Mừng cứu độ hầu như phải bắt đầu lại từ số không? Nhưng thánh ý Chúa vượt quá suy tính của con người. Khi sai các tông đồ ra đi, Chúa không ‘đem con bỏ chợ’, nhưng Ngài “cùng hoạt động với các ông” “với những dấu lạ kèm theo”. Giờ đây, mỗi tông đồ, mỗi Ki-tô hữu là một Giê-su tràn đầy Thần Khí, lo gì mà không thể “đi khắp tứ phương thiên hạ” mà “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” nữa!

Mời Bạn: Ấy thế mà cũng đáng lo đấy, nếu như ngày hôm nay, bạn và tôi chểnh mảng không chu toàn sứ mạng Ngài đã phân công cho chúng ta khi Ngài về trời! Bạn thử kiểm điểm xem mình đã thực hiện thế nào công tác loan báo Tin Mừng này.

Sống Lời Chúa: Mỗi tháng đặt ra cho cá nhân bạn, cho nhóm của bạn một chủ điểm loan báo Tin Mừng. Cuối tháng kiểm điểm và đặt chủ điểm mới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai chúng con đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Xin đổ tràn đầy ơn Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con luôn nhiệt tâm thực thi mệnh lệnh Chúa truyền dạy.


13/05/24 THỨ HAI TUẦN 7 PS
Đức Mẹ Fatima
Ga 16,29-33

 

CHÚA KI-TÔ ĐÃ THẮNG THẾ GIAN

“Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33b)

Suy niệm: Trong ngày Chúa chịu khổ nạn, các môn đệ đã hụt hẫng, hoảng loạn. Nhưng niềm vui và niềm tin của các môn đệ đã được phục hồi khi gặp lại Thầy mình từ cõi chết sống lại. Giờ đây khi Chúa thăng thiên được cất khỏi mắt họ, cơn lo âu buồn phiền chắc chắn lại ập tới. Lời an ủi của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly thật thích hợp cho họ trong lúc này: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” Trong bữa Tiệc Ly mà Chúa đã quả quyết Ngài “đã thắng” rồi, dù lúc đó họ chỉ thấy khổ hình thập giá. Còn bây giờ, các môn đệ biết rõ Chúa đã sống lại thật rồi. Chúa đã chiến thắng tử thần rồi. Họ càng có lý do để “can đảm lên” để vui mừng và hy vọng dù có phải “trăm chiều thử thách” (1Pr 1,6).

 

Mời Bạn: Chúa Ki-tô phục sinh đã chiến thắng tử thần và lên trời vinh hiển. Dù chúng ta đang ở thế gian này, nhưng quê hương đích thực của chúng ta là Nước Trời. Trên cuộc hành trình dương thế này, chúng ta vẫn còn gặp nhiều gian nan thử thách, nhưng chúng ta không quên lời Chúa khuyến khích chúng ta: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” Tin tưởng vào lời Chúa, chúng ta sẽ can đảm, sẽ bình an tiến bước về Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp thử thách, hay chịu cám dỗ, bạn nhìn lên thánh giá và lặp lại lời Chúa: “Can đảm lên! Chúa đã thắng thế gian!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con lòng tin mạnh mẽ để chúng con lướt thắng được những khó khăn trong đời tạm này mà vững bước theo Chúa tiến về quê trời. Amen.


14/05/24 thứ ba tuần 7 ps
Th. Mát-thi-a, tông đồ
Ga 15,9-17

 

ở lại trong tình yêu chúa

‘‘Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.’’(Ga 15,9)

Suy niệm: Khi đi rao giảng, Chúa Giê-su không ở một nơi cố định, nhưng có một ‘nơi’ mà Ngài luôn hiện diện và Ngài mời gọi các môn đệ cùng đến đó với Ngài: “Hãy lại trong tình yêu của Thầy”. Có thể nói: “Tình yêu của Chúa Cha” là ‘quê hương’, là ‘nhà’, là ‘môi trường sống’ của Chúa Giê-su. Ngài hít thở, lớn lên trong bầu khí đó từng ngày, từng giờ, và không bao giờ xa lìa ‘không gian’ thánh thiêng huyền diệu đó.

Mời Bạn: Ở lại trong tình yêu của Chúa’ là tuân giữ các giới răn của Chúa, là yêu mến và sống kết hiệp với Chúa. Lời kêu mời “hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” không phải là lời mời xã giao nhưng là tâm tình thiết tha của Chúa. Vì yêu thương ta Ngài mong muốn ta đến với Ngài vì chỉ nơi Ngài ta mới có niềm vui, bình an, sự sống đích thực.

Sống Lời Chúa: Thỉnh thoảng trong khi làm việc, tôi dừng lại một ít phút để thưa chuyện với Chúa, để bày tỏ với Ngài tâm tình yêu mến của tôi.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, con đã yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài. Là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những thụ tạo xinh đẹp Chúa đã dựng nên. Chúa đã ở với con mà con lại không ở với Chúa. Chúa đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa mùi thơm của Chúa ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Chúa. Con đã được nếm Chúa và đâm ra đói khát Chúa. Chúa đã chạm tới con và con ước ao sự bình an của Chúa.” (Thánh  Augustinô, Tự Thuật)


15/05/24 thứ tư tuần 7 ps
Ga 17,11b-19

 

đăng giả hội

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”. (Ga 17,11b)

Suy niệm: Trong thời khắc cuối cùng ở trần gian, Chúa Giê-su cầu xin cho các môn đệ điều Ngài ưu tư nhất, đó là xin cho họ được hiệp nhất, sự hiệp nhất tuyệt hảo: “được nên một trong chúng ta”, được hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi. Đó không phải là lời cầu đơn thuần theo cảm tính mà là mối ưu tư thiết yếu bởi vì đó là nguyên lý nền tảng làm nên Hội Thánh. Cũng như Thiên Chúa không phải là một Ngôi đơn độc mà là Ba Ngôi “cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền như nhau”, thì chúng ta khi được “nên một trong Ngài”, chúng ta cũng trở nên “một thân thể duy nhất, trong cùng một Thần Khí,… một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (x. Ep 4,3-6).

Mời Bạn: Bằng mấy từ ngắn gọn “Đăng giả hội” (=lên cao thì hội tụ với nhau), cha Teilhard de Chardin đã tóm tắt viễn tượng của sự quy tụ mà Đức Ki-tô cầu xin: muôn loài được quy tụ trong Đức Ki-tô, và chính Người quy phục Thiên Chúa, Cha của Người (x. 1Cr 15,28). Quả thật, chúng ta càng ‘lên cao’, càng ‘hướng thiện’, chúng ta càng gặp nhau, và do đó, càng “nên một trong Chúa”. Nói cách khác, khi chúng ta càng sống theo thánh ý Chúa, khi “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, lúc đó, chúng ta sẽ được “nên một trong Chúa Ba Ngôi”.

Sống Lời Chúa: Trước khi bắt tay làm bất cứ việc gì, bạn cầu xin cho mình luôn làm theo thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hứa: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Xin hướng chúng con về những thực tại bền vững trên trời. Amen.


16/05/24 thứ năm tuần 7 ps
Ga 17,20-26

 

chúa giê-su cầu nguyện

“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con.” (Ga 17,20)

Suy niệm: Trong bầu khí đầy xúc động của bữa Tiệc Ly, khi sắp sửa tự hiến mình làm hy tế, Chúa Giê-su dâng lời cầu nguyện tha thiết cùng Chúa Cha (x. Ga 17). Nhắm mục đích cao nhất là tôn vinh Chúa Cha, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn nơi các môn đệ mà còn mang tính phổ quát, mở rộng tối đa đến mọi người “để tất cả nên một,” “như Cha ở trong con và con ở trong Cha.” Để làm được điều này, điều kiện thiết yếu là phải có lòng tin vào Chúa Giê-su, qua lời rao giảng của các tông đồ “mà tin vào Người Con.” Đức tin tông truyền là nền tảng trên đó toà nhà Giáo Hội được xây dựng. Đó là đặc tính của Giáo Hội Duy Nhất ta tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

Mời Bạn: Chia rẽ là bóng ma luôn ám ảnh, rình rập và chờ cơ hội lung lạc đời sống cộng đoàn Ki-tô hữu. Khi chia rẽ, các bên liên quan đều cho rằng mình đúng, mình đang thuộc Hội Thánh, mình đang có Thánh Thần. Thế nhưng, Thần Khí Thiên Chúa là nguyên lý hợp nhất chứ không phải chia rẽ. Vì vậy, hành động nào mang tính chia rẽ không thể được coi là hành động của Thánh Thần. Và đảo lại, suy nghĩ, nhận định và hoạt động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần là bảo đảm cho tính duy nhất của Giáo Hội.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày đọc kinh Chúa Thánh Thần: “an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành” để xin cho Giáo hội được ơn hiệp nhất.

Cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con.”


17/05/24 thứ sáu tuần 7 ps
Ga 21,15-19

 

trắc nghiệm lòng mến

Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon con ông Gio-an anh có yêu mến Thầy không?... Ông đáp: Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)

Suy niệm: Nói theo kiểu học trò thời nay, ba câu trắc nghiệm của Chúa Giê-su hỏi Phê-rô quá dễ. Cả ba câu cùng một nội dung, mà nhắm mắt cũng biết đáp án đúng phải trả lời là ‘có’. Nhưng đây không phải là bài kiểm tra kiến thức trong sách giáo khoa. Để chính thức trao cho Phê-rô quyền lãnh đạo Hội Thánh ở trần gian, Chúa khảo sát về một phẩm chất duy nhất mà người mục tử cho đoàn chiên của Ngài cần có: “Có yêu Thầy hơn tất cả những người này không?” Câu trả lời cũng không dễ dàng vì không có đáp án đúng trong sách vở; Phê-rô chỉ trả lời đúng với tấm lòng của mình: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Con số 3 là con số thể hiện mức độ cao nhất. Ba lần thưa “có” của Phê-rô cũng chính là lời tuyên thệ nhậm chức, lời tuyên khấn trọn đời của ngài. Để rồi từ đây Phê-rô hiến trọn tình yêu và cuộc sống của mình chăm sóc đoàn chiên Thầy giao phó.

Mời Bạn: Người Anh có câu: “Chỉ mất ba giây để nói ‘anh yêu em’ nhưng phải mất cả đời để chứng minh điều đó”. Bạn đã thưa có khi Ngài hỏi bạn có yêu Ngài không. Mời bạn hãy dùng cuộc sống của bạn để thực hành giới răn yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương bạn.

Sống Lời Chúa: Lòng mến Chúa là lý do sâu xa nhất và động lực thúc đẩy tôi làm việc phục vụ gia đình, cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin giúp con ngày càng yêu Chúa qua các việc bác ái cụ thể với anh em con, chứ không chỉ trong một ít giờ thờ phượng Chúa trong nhà thờ. Amen.


18/05/24 thứ bảy tuần 7 ps
Th. Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 21,20-25

 

để nên giống chúa hơn

Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra. (Ga 21,25)

Suy niệm: Câu kết thúc của Tin Mừng theo thánh Gio-an tưởng chừng là dấu chấm hết nhưng lại mở ra một viễn cảnh mới dẫn chúng ta vào kho tàng vô tận là mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Có những điều Chúa nói, ngôn từ thật đơn sơ, nhưng ý nghĩa thì sâu thẳm: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8). Có “người môn đệ kia” theo sát Thầy từng bước đến cả dưới chân thập giá, chỉ tự nhận mình là “người được Chúa thương mến”, phải chăng có ý dành một khoảng trống để mỗi người đọc điền tên mình vào chỗ người môn đệ bí ẩn đó? Và chính Đức Giê-su là một huyền nhiệm vô biên vô cùng như Ngài nói với Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh chưa biết Thầy ư?” Chúa mang thân phận con người như chúng ta, nhưng Ngài là chính Con Một Thiên Chúa. Càng chiêm ngắm những gì Chúa nói, Chúa dạy, Chúa sống, ta càng đi sâu vào mầu nhiệm và càng gần Chúa hơn để giống Ngài hơn. Phúc Âm Gio-an kết thúc để mở ra tới vô cùng là như vậy.

Bạn thân mến, hẳn bạn cảm nghiệm được Lời Chúa không phải là những con chữ chết khô nằm trong cuốn sách gọi là Kinh Thánh. Trái lại, đó là Lời Hằng Sống; khi bạn suy gẫm Lời Chúa, bạn đi vào trò chuyện với Chúa đang sống. Bạn nhớ dành thời gian để đọc và suy gẫm mỗi ngày để sống thân tình với Chúa và nên giống Ngài hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là sức sống của con. Xin cho con luôn say mê Lời Ngài. Amen.


19/05/24
chúa nhật chúa thánh thần hiện xuống

Ga 20,19-23

 

“những người loan báo tin mừng đầy thánh thần”

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su là ‘người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất’, vì đã thi hành cách tuyệt hảo sứ mạng Chúa Cha giao phó, trong tình yêu và vâng phục. Ngay trong chiều ngày phục sinh, Ngài đã hiện ra với các môn đệ và ủy thác sứ mạng ấy cho các ông. Niềm vui vì được thấy Chúa Phục Sinh xua tan nỗi sợ trong lòng các môn đệ. Căn phòng đóng kín không thể nhốt được Tin Mừng quá đỗi lớn lao này. Nó cần được loan truyền, chia sẻ! Chúa Giê-su không để các môn đệ ‘đơn thương độc mã’ trên hành trình sứ mạng, nhưng gửi Chúa Thánh Thần cùng đi với các ông để thánh hóa, dạy dỗ và trợ lực. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Thánh giáo hoàng Phao-lô VI xác quyết: “Nếu Chúa Thánh Thần không hoạt động thì sẽ không có bất cứ công cuộc Loan báo Tin Mừng nào”. Thật vậy, Người là Đấng hướng dẫn chúng ta bước đi trong tự do nhờ sức mạnh của Thần Khí (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 280).

Mời Bạn: Loan báo Tin Mừng không phải là việc làm phụ tùy, nhưng là sứ mạng thuộc bản chất của Giáo Hội, là lý do hiện hữu của Giáo Hội! Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khích lệ mọi Ki-tô hữu trở nên đích thực là những môn đệ thừa sai, đầy Thánh Thần, nghĩa là luôn mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lời mời gọi này có đánh động trái tim của bạn không?

Sống Lời Chúa: Lời cầu nguyện đầu ngày của bạn là xin Thánh Thần biến mọi việc trong ngày của bạn thành việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai con đi loan báo Tin Mừng cho anh em.


20/05/24 thứ hai tuần 7 tn
Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh
Ga 19,25-34

 

đưa mẹ về nhà mình

Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)

Suy niệm: Đứng dưới chân thập giá Đức Ki-tô có Đức Ma-ri-a. Đứng bên cạnh Đức Ma-ri-a lại có người môn đệ Chúa thương mến. Khi cùng đứng chung với nhau trước cơn đau khổ, người ta thấy mình có liên hệ gần gũi với nhau hơn, người ta được tăng thêm sức mạnh. Lời trăng trối của Đức Giê-su càng củng cố làm cho mối liên hệ ấy trở nên bền vững. Trên thập giá Ngài thiết lập căn tính mới, liên hệ mới giữa Mẹ của Ngài với người môn đệ: Mẹ của Thầy cũng là Mẹ của anh. Khi phục sinh Chúa sẽ nói: “Thầy lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Mời Bạn: Khi rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được cùng với Mẹ thông phần cuộc khổ nạn với Đức Ki-tô. Giờ đây,  đau khổ của ta được thông phần với đau khổ của Chúa, cuộc chiến của ta chống lại ma quỷ, tội lỗi cũng chính là cuộc chiến mà Đức Ki-tô tham chiến và đã chiến thắng. Rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được gần nhau hơn, gần Chúa hơn và nhất là được tăng sức mạnh mẽ hơn cho sứ mạng của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Gia đình, cộng đoàn tôi “rước Mẹ về nhà mình” bằng cách cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi chung với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đứng kề Thánh Giá hiệp thông với Đức Giê-su Con Mẹ trong cuộc khổ nạn. Xin Mẹ dắt chúng con đến với Chúa để Thánh Giá Chúa trở nên bí tích cứu độ chúng con.


21/05/24 thứ ba tuần 7 tn
Mc 9,30-37

 

ai lớn hơn ai?

“Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (Mc 9,34)

Suy niệm: Chúng ta không lạ lẫm gì khi biết nhóm này nhóm nọ có lúc tranh dành xem ai lớn hơn ai. Việc tranh giành này có khi đưa tới chỗ đánh nhau vỡ đầu sứt trán; có lúc âm ỉ thù hận như lò thuốc súng chực chờ bùng nổ. Nơi các môn đệ ngày ấy cũng vậy, cãi cọ tranh luận xem ai là người lớn nhất trong nhóm là căn bệnh thuộc loại mãn tính: trong nhà, ngoài đường, thậm chí cả trong Bữa Tiệc ly. Thầy Giê-su kiên nhẫn đợi đến nhà mới hỏi các ông; khi các ông làm thinh, Ngài cũng chẳng ép các ông phải trả lời. Là thầy thuốc tâm hồn tài giỏi, Ngài chữa trị căn bệnh mãn tính của học trò bằng cách dạy các ông hiểu thế nào là đứng đầu trong Nước Trời; minh họa làm người rốt hết cách cụ thể qua hình tượng một em nhỏ; cuối cùng, đồng hóa mình với em nhỏ, hình tượng người rốt hết ấy. Sau này, Ngài còn quỳ hẳn xuống rửa chân cho các môn đệ, làm công việc của đầy tớ, nêu gương rằng muốn làm lớn phải biết phục vụ mọi người, làm người rốt hết.

Mời Bạn: Có thể bạn sốc khi Chúa đảo lộn một số các giá trị ta quen hành xử. Thế mới biết đó là ý Chúa. Ý Ngài không phải lúc nào cũng như ta nghĩ, nhưng nâng tầm hiểu biết và ứng xử của lên tầm cao mới của người công dân Nước Trời. Là môn đệ Chúa, bạn có dám sống như Ngài dạy không, hay còn ngại ngùng, sợ sự phê phán của người khác?

Sống Lời Chúa: Làm một việc mọn hèn kín đáo để phục vụ trong cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con vì con cũng mắc căn bệnh mãn tính như các Tông đồ. Xin ban cho con thêm can đảm, được giải thoát khỏi những ràng buộc tầm thường của đời sống để vươn lên đỉnh trọn lành Chúa muốn.


22/05/24 thứ tư tuần 7 tn
Th. Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu
Mc 9,38-40

 

cổ võ sự Bao dung

“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)

Suy niệm: Cổ võ sự bao dung không đồng nghĩa với đồng lõa hay im lặng trước bạo lực, bạo quyền. Bao dung là cung cách không loại trừ người khác dù họ khác chính kiến, sở thích, quan điểm với ta, được bày tỏ cách trực tiếp công khai hay gián tiếp, không chủ ý. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ta thinh lặng tâm phục khẩu phục một giáo huấn, hành vi tốt đẹp của một ai đó mình gặp trên trường đời, mãi về sau mới tỏ bày cơ sự, rồi nhìn nhận, kết thân. Chúa Giê-su có rất nhiều môn đệ theo cung cách ấy. Tin Mừng gọi họ là “trong số những người nghe Đức Giê-su, có nhiều kẻ đã tin vào Người” là thế đấy.

Mời Bạn: Cộng đoàn nào cũng có khuynh hướng thích người khác nhìn nhận, giơ tay bỏ phiếu ủng hộ, hoặc đứng về nhóm mình cách công khai. Vì vậy, ta không thích kiểu “im lặng là đồng ý” cho lắm. Thế nhưng, ta cũng không nên bắt người khác phải thế này, thế nọ với nhóm mình. Hiệp hành là cùng đi trên một con đường để tiến về cùng đích Nước Trời. Trên quãng đường ấy, mỗi người đều có các nhân sinh quan khác biệt, chứ không phải lúc nào cũng giơ tay biểu quyết như nhau.

Sống Lời Chúa: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” Ước chi bạn và tôi cùng nhau thực hiện các ‘phép lạ’ trong cuộc sống, là thái độ yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, dù có lắm dị biệt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con, vì thường đòi người khác phải giống mình. Xin cho con biết bao dung đón nhận những khác biệt của anh chị em, nhất là nhìn nhận những điều tốt lành nơi họ. Amen.


23/05/24 thứ năm tuần 7 tn
Mc 9,41-50

 

hãy nên như muối mặn mà

“Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với nhau.”(Mc 9,50)

Suy niệm: Ge Hinnon (tiếng Hípri) có nghĩa là “thung lũng Hinnon.” Đó là một thung lũng nhỏ phía tây nam Giê-ru-sa-lem, được dùng để chỉ hỏa ngục, do nơi đây xưa kia người Am-môn cúng tế trẻ em cho thần Moloch, sau này thành bãi rác cháy liên lỉ đêm ngày. Đức Giê-su cảnh cáo ai gây cớ cho mình hay người khác sa ngã, đều bị ném vào Ge Hinnon ấy, nơi giòi bọ không hề chết và lửa chẳng đời nào tắt. Như một vị bác sĩ giỏi, Ngài dùng kiểu nói quyết liệt “hãy chặt nó đi” để đòi hỏi người môn đệ phải mạnh mẽ cắt bỏ những mầm mống của tội lỗi như những khối u ác tính. Đồng thời, phải trui rèn đời sống tâm linh của mình nghiêm ngặt như “được luyện bằng lửa, như thể ướp bằng muối”.

Mời Bạn: Một sự giúp đỡ nho nhỏ, một chút tâm tình ấm áp, một cử chỉ yêu thương, một giây phút ân cần,… là muối ướp, giữ cho cuộc sống bạn thêm thi vị, tăng niềm vui, vẻ đẹp. Nếu tình yêu như muối mất đi vị mặn mà của mình, thì không có muối nào có thể mang lại hương vị cho nó nữa. Bạn đã có chất “muối” trong cuộc sống mình, hãy giữ và đem muối ấy ướp vào môi trường của bạn! “Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời, chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi” (Thông Vi Vu, Một chút).

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập ân cần, quảng đại góp thêm vị “muối” niềm vui, niềm tin, bình an trong môi trường mình sống mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã mời gọi con là muối cho đời. Xin cho con cộng tác với ơn Chúa, để giữ gìn và hưởng nếm hương vị của muối tình yêu, muối thuận hòa, muối bình an. Amen.


24/05/24 thứ sáu tuần 7 tn
Mc 10,1-12

 

hôn nhân linh thánh

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)

Suy niệm: Chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Mô-sê cho phép (x. Đnl 24,1) mà người Pha-ri-sêu còn “hỏi thử” Chúa Giê-su có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề như thế làm chi nữa? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pha-ri-sêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt –dù đã có luật cho phép ly dị– khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giê-su cho biết hiện trạng của luật Mô-sê chỉ là một sự nhân nhượng vì họ “lòng chai dạ đá”. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành du di của luật cũ và quả quyết rằng hôn nhân là thánh thiện và vô cùng cao quý.

Mời Bạn: Xã hội hiện đại có xu hướng phá vỡ những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống: hôn nhân như chiếc bình thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân: “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là viên đá góc để các gia đình Ki-tô hữu tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và để góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.

Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình bạn đọc kinh chung và nhắc nhở nhau thực hành “yêu thương và kính trọng nhau” như lời cam kết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chúc phúc và thánh hoá mối giây liên kết vợ chồng. Xin cho các gia đình trung thành với lời cam kết hôn nhân để nên nhân chứng tình yêu Chúa ở giữa thế gian.


25/05/24  thứ bảy tuần 7 tn
Thánh Bê-đa Khả Kính, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 10,13-16

 

bí quyết vào nước trời

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào. (Mc 10,15)

Suy niệm: Nếu muốn biết hạnh phúc là gì thì hãy nhìn một cánh hoa, một chú chim hay một đứa trẻ.” Nhận định này rất thích hợp để minh họa cho hình ảnh hoàn hảo về Nước Trời. Tại sao?  - Vì bông hoa, đứa trẻ hay chú chim luôn tận hưởng niềm vui từng ngày, những bộn bề lo toan cuộc sống, tranh giành hơn thua không át được niềm hạnh phúc họ cảm nhận ngay hiện tại. Chúa Giê-su đã chỉ rõ bí quyết sống ấy cho những ai khao khát Nước Trời qua hình tượng ‘tâm hồn trẻ thơ.’ Bí quyết này vừa dễ nhưng cũng rất khó. Dễ khi ta dám trở nên như trẻ thơ. Khó vì sau đó có thể ta sẽ ‘không là gì’ và sẽ ‘không còn gì’! Chính Ngài đã sống bí quyết này đến cùng trên thập giá, tự hủy mình ‘ra không,’ vâng theo ý Chúa Cha, để trở nên Người Con Yêu Dấu của Cha.

Mời Bạn: Nhiều người khổ sở, chán ngán, bất hạnh, muốn tìm cho được bí quyết hạnh phúc mà không hề biết nó ở ngay cạnh mình, trước mắt mình: chân thành, đơn sơ như trẻ nhỏ và bớt đi cái ‘người lớn’ trong mình. Chị Thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su đã sống ‘con đường thơ bé’ trong sự chân thành, đơn sơ, luôn đặt mình như trẻ nhỏ trước người Cha vĩ đại  là Thiên Chúa, làm những việc nhỏ với tình yêu lớn lao. Con đường thiêng liêng ấy có thực sự gợi hứng cho bạn không? Phần bạn, con đường nhỏ mà bạn sẽ chọn để đi mỗi ngày là gì?

Sống Lời Chúa: Tập sống đơn sơ, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con trở nên bé mọn, phó thác mọi sự cho Cha, để con được gặp thấy Nước Trời ở ngay chính thế gian này. Amen.


26/05/24 chúa nhật tuần 8 tn - b
Chúa Ba Ngôi
Mt 28,16-20

 

sự sống nơi thiên chúa

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” (Mt 28,19)

Suy niệm: Không ai biết Thiên Chúa là Đấng như thế nào, nếu không có Đức Giê-su mạc khải cho. Rất nhiều lần trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su nói về Chúa Cha và Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả, vượt trí khôn loài người, nhưng nhờ Ngài mà chúng ta hiểu được, dẫu còn mơ hồ, về đời sống của Thiên Chúa. Đặc tính ‘một mà là ba, ba mà là một’ cho thấy tình yêu là mối dây liên kết Ba Ngôi với nhau. Tình yêu đó Thiên Chúa không giữ cho riêng mình, nhưng đã cho nhân loại được thông phần khi dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Hơn nữa, chính Ngôi Hai cũng đã nhập thể làm một con người, đã yêu hết tình và yêu hết mình. Thầy Giê-su muốn chúng ta nên giống Người “cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của thầy, là anh em hãy yêu mến nhau” (Ga 13,35).

Mời Bạn: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” (R. Tagore). Ta chỉ có thể hiểu được sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi qua hai chữ tình yêu. Vũ trụ và con người được sáng tạo do tình yêu chia sẻ, được nâng đỡ do tình yêu quan phòng, được mời gọi đi vào tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mời Bạn sống tình yêu ấy.

Sống Lời Chúa: Khi làm dấu thánh giá, tôi ghi nhớ tình yêu Ba Ngôi tràn ngập tâm hồn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, con thật bất xứng khi lãnh nhận hồng ân cao cả là tình yêu Chúa. Con xin hết lòng cảm tạ. Xin giúp con luôn sống tâm tình người con hiếu thảo của Chúa. Amen.


27/05/24 thứ hai tuần 8 tn
Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri
Mc 10,17-27

 

hạnh phúc thật

“Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10,27)

Suy niệm: Thật là ngược đời khi có quá nhiều của cải lại khiến con người khó được hạnh phúc! Ta nhận ra trong cuộc đời này, không riêng chi người nghèo, nhưng lắm kẻ giàu cũng khóc vì đau khổ. Cũng vậy, dù rất giàu có, người thanh niên trong Tin Mừng chưa tìm thấy hạnh phúc; anh đã tìm đến Thầy Giê-su, xin hướng dẫn con đường đưa đến hạnh phúc đời đời. Thế nhưng, câu trả lời của Ngài làm anh choáng váng, bất ngờ: Ngài muốn anh đừng dừng lại ở những dòng chữ của lề luật, nhưng vươn đến một Ngôi vị cụ thể là chính Ngài, Đấng vừa là Thiên Chúa, nhưng cũng là con người, qua việc bước theo làm môn đệ Ngài. Tuy nhiên, làm môn đệ Ngài kèm theo một đòi hỏi quyết liệt: từ bỏ của cải, phân phát cho người nghèo. Thật đáng tiếc cho anh, đòi hỏi ấy không nằm trong dự tính của anh, anh gắn bó với tiền bạc của cải hơn, không thể buông bỏ những điều quý giá trần thế ấy!  Thế là anh đã vuột mất cơ hội nắm lấy hạnh phúc thật sự, vĩnh cửu mà chỉ có Chúa Giê-su mới có thể trao tặng.

Mời Bạn hãy tự hỏi: tôi có quá gắn bó với của cải, với những đam mê trần tục  không? Đâu là hạnh phúc thật mà tôi đang tìm kiếm? Là Chúa hay là tiền bạc, danh vọng, đam mê?

Sống Lời Chúa: Chia sẻ tiền bạc, thời giờ, sự quan tâm chăm sóc… cho một người thiếu thốn đang ở gần tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con thường quá gắn bó với cuộc sống trần thế này, tưởng đó là hạnh phúc thật. Xin giúp con thức tỉnh, nhận ra hạnh phúc thật sự là chính Chúa. Để nhờ đó, con chỉ biết tìm kiếm, làm vui lòng Chúa mà thôi. Amen.


28/05/24 thứ ba tuần 8 tn
Mc 10,28-31

 

VÌ THẦY VÀ VÌ TIN MỪNG

“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.” (Mc 10,28)

Suy niệm: Chàng trai trẻ sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi, vì anh “có nhiều của cải” (Mc 10,22). Còn các môn đệ vẫn ở lại đó, bên Thầy, nhưng lòng ngổn ngang trăm mối: Cái mất thì thấy ngay trước mắt, còn cái được thì được gì đây? Câu trả lời của Thầy không chỉ dành cho các ông, nhưng còn cho tất cả những ai chấp nhận từ bỏ mọi sự vì Ngài và Tin Mừng của Ngài. Vẫn còn đó nhà cửa, ruộng đất, chị em, mẹ, con, nhưng gấp trăm, không theo nghĩa sở hữu cá nhân chật hẹp,  hay tương quan bà con họ hàng thông thường, để vươn lên tầm tương quan của người công dân Nước Trời, tương quan yêu thương, hiệp thông, quan tâm, chia sẻ, khi mọi người thật sự là anh chị em, người thân của mình. Tuy nhiên, điều được trên hết là sự sống vĩnh cửu ở đời sau, không gì ở đời này có thể so sánh được.

Mời Bạn: Hôm nay cũng vậy, bạn sẽ mất rất nhiều khi theo Ngài. Mất thời giờ đọc Lời Chúa, cầu nguyện mỗi tối, dâng lễ Chúa nhật, thực thi tông đồ giáo dân; mất ý riêng để vâng lời bề trên, ý Chúa; mất những món tiền “dễ bỏ túi” để sống đức công bằng; mất thú vui xác thịt để sống đức khiết tịnh… Những gì bạn được sẽ lớn gấp trăm, cùng với hạnh phúc vĩnh cửu của Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi sẽ chọn mất nhiều những gì thuộc hạ giới để được gấp trăm theo thượng giới, vì tôi tin vào lời hứa của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa buồn khi nhìn người thanh niên bỏ đi. Nhưng Chúa được an ủi khi vẫn còn đó các môn đệ bên cạnh mình. Xin cho con cũng luôn bên cạnh Chúa, sẵn lòng đánh đổi bao điều quý giá cuộc đời để có thể trọn đời là môn đệ Ngài. Amen.


29/05/24 thứ 4 TUẦN 8 tn
Th. Phao-lô VI, giáo hoàng
Mc 10,32-45

 

CÙNG ĐI VỚI CHÚA GIÊ-SU

“Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông.” (Mc 10,32)

Suy niệm: Cùng bước đi bên Chúa Giê-su trên con đường lên Giê-ru-sa-lem, nhưng lòng trí các môn đệ lại cách xa Thầy mình vời vợi. Trong khi Thầy hướng về cuộc Khổ nạn, nỗ lực thi hành ý muốn của Chúa Cha, các ông chỉ nghĩ đến cái danh cái lợi, làm sao có địa vị bản thân. Thế nên, không lạ gì các ông sợ hãi, trốn chạy biến cố thập giá, không thể chia sẻ nỗi khắc khoải với Thầy, mà giữa các ông còn nẩy sinh sự đố kỵ, tranh giành, đấu đá lẫn nhau, gây nên sự chia rẽ, mất bình an. Chúa Giê-su đã gọi các ông đến và nhắn nhủ các ông: để hiệp hành với Ngài, hợp nhất với nhau, và nhằm vinh danh Cha trên trời trên bước đường theo Ngài, các ông phải sống con đường phục vụ, sẵn sàng hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người như chính Ngài đã sống.

Mời Bạn: Có những khủng hoảng, xung đột, chia rẽ trong đời sống gia đình, hay sinh hoạt hội đoàn đến từ việc ta chỉ muốn mọi sự theo ý mình. Những lúc đó, ta được mời gọi cùng ngồi lại với nhau và với Chúa, xin Ngài soi sáng giúp ta sẵn lòng từ bỏ ý riêng, hướng dẫn cách làm theo thánh ý Ngài. Chỉ khi làm vậy, ta mới có thể hiệp hành với nhau xây dựng Hội thánh, loan báo Tin mừng.

Sống Lời Chúa: Bắt đầu ngày mới, bạn xin Chúa soi sáng cho mình biết việc phải làm, cũng như đủ sức mạnh để làm theo điều Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tìm và sống theo ý Chúa trong bậc sống, trong bổn phận Chúa trao. Nhờ đó, chúng con có thể hiệp hành với nhau trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Nước Trời. Amen.


30/05/24 thứ năm tuần 8 tn
Mc 10,46-52

 

cửa sổ tâm hồn

“Anh muốn tôi làm gì cho anh ? Thưa Thầy xin cho tôi nhìn thấy được”... “Cứ về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh...” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và theo Người lên đường. (Mc 10,51-52)

Suy niệm: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Nhờ cặp mắt chúng ta có thể nhận biết và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vì chúng ta sáng mắt nên nhiều khi chúng ta ít quan tâm đến sự quan trọng của đôi mắt. Chúng ta cứ thử bịt mắt lâu giờ mới cảm nhận được sự đau khổ cùng cực của những người bị mù, cũng như nỗi khao khát của họ muốn được thấy ánh sáng. Do đó chúng ta dễ hiểu tại sao anh mù Ba-ti-mê vất áo choàng và nhảy chồm lên đến gần Chúa khi Chúa gọi anh. Chắc chắn lúc đó anh rất vui sướng vì biết mình sắp sửa được thoát khỏi bóng tối, sắp sửa được nhìn thấy ánh sáng.

Mời Bạn: Anh mù đã kêu xin Chúa cứu chữa dù người ta cấm cản anh. Càng ngăn cấm anh càng kêu lớn hơn. Anh không xin tiền, xin gạo, xin bánh như mọi khi, nhưng xin được nhìn thấy. Thái độ vất áo choàng, chạy chồm đến với Chúa chứng tỏ anh có lòng tin sâu xa mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa. Chính niềm tin này mà Chúa đã chữa anh và khi được sáng mắt anh đã đi theo Chúa. Thái độ và hành động của anh là mẫu gương cho bạn. Phần bạn, bạn làm thế nào để cặp mắt tâm hồn của bạn luôn trong sáng ?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm gìn giữ cặp mắt tâm hồn không bị hoen ố bởi những phim ảnh hình ảnh xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước anh Ba-ti-mê sẵn sàng và dứt khoát vứt bỏ mọi quyến luyến lệch lạc để nhảy đến với Chúa trong Bí tích giải tội để cặp mắt tâm hồn luôn được trong sáng. Amen.


31/05/24 thứ sáu tuần 8 tn
Đức Ma-ri-a thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét
Lc 1,39-56

 

SỐNG TÂM TÌNH TRI ÂN

“Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,46)

Suy niệm: Động lực nào thúc đẩy Đức Ma-ri-a vội vã đi trên quãng đường dài 144 km từ Na-da-rét đến Ein Karem để thăm bà Ê-li-sa-bét? Ta tìm thấy động lực ấy nơi lời kinh Magnificat. Ngài ngợi khen Đức Chúa không chỉ bằng lời kinh, nhưng còn qua nghĩa cử yêu thương cụ thể: thăm viếng, phục vụ người chị họ ba tháng ròng rã. Thần trí hớn hở vui mừng vì dù chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, Đấng Toàn năng đã thực hiện cho Mẹ bao điều cao cả vượt quá suy tưởng con người, thì nay Mẹ cũng muốn chia sẻ niềm hớn hở vui mừng ấy cho người thân, cũng trong tư thế nữ tỳ: vất vả đi lại, ân cần thăm hỏi, tận tụy đỡ nâng. Đức Chúa không chỉ thương xót Mẹ, nhưng cũng bày tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài như ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét; do đó, Mẹ cũng phải đến tận nhà để chia sẻ niềm vui ấy của ông bà.

Mời Bạn: Khi có tâm tình tri ân Thiên Chúa, lòng trí vui tươi hân hoan vì cảm nhận bao điều kỳ diệu Chúa thực hiện trong lịch sử đời mình, bạn sẽ dễ dàng thực thi tình yêu thương: thăm viếng, phục vụ, ủi an, giúp đỡ, quan tâm, ân cần… với người lân cận, nhất là với các người bé nhỏ của Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Để đào tạo một tâm hồn biết ơn Chúa, thỉnh thoảng tôi tập cầu nguyện hồi tưởng: ghi nhớ những điều tốt đẹp Chúa thực hiện cho mình qua các giai đoạn của lịch sử cuộc đời, những người Chúa gởi đến nâng đỡ mình trong các hoàn cảnh khác nhau, để rồi dâng lời cảm tạ Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa luôn ở bên con trong mọi tình huống của đời con. Xin ban cho con một tâm hồn luôn biết tri ân cảm tạ. Amen.

 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT