THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

BÀI VIẾT MỚI

Hành Trình Đức Tin Của Thánh Tôma Tông Đồ


 

Nếu ai hỏi rằng trong số 12 Tông Đồ, vị thánh nào có hành trình đức tin tiêu biểu nhất, câu trả lời sẽ là Thánh Tôma, người mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Nét tiêu biểu của hành trình đức tin ấy được thể hiện rất rõ qua 5 giai đoạn sau đây:

Giai Đoạn 1: Đức Tin Được Khai Lối

Như bao người Do Thái khác, Thánh Tôma được thừa hưởng gia sản niềm tin từ các tổ phụ vào Giavê Thiên Chúa, Đấng đã đồng hành với dân tộc mình trong suốt dòng lịch sử. Tuy nhiên, đối với ngài, Giavê Thiên Chúa ấy vẫn chỉ là một Thiên Chúa uy quyền xa cách. Chỉ khi được gặp gỡ Đức Kitô, một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, thì niềm tin vào một Đấng Cứu Thế nơi thánh nhân mới được khai lối. 

Đấng Mêssia mà ngài và toàn thể dân tộc Israel đang mong đợi giờ đang mời gọi ngài dấn bước theo. Ngài đón nhận niềm tin ấy với lòng trân quý. Và chính thái độ mau mắn đáp trả tiếng gọi "Hãy theo Ta" đã biến ngài trở thành một trong số Mười Hai Tông Đồ thân tín của Đức Giêsu.

Giai Đoạn 2: Đức Tin Được Nuôi Dưỡng và Lớn Lên

Lúc mới đáp trả tiếng mời gọi của Thầy Giêsu, bước chân của Thánh Tôma vẫn còn chập chững, đức tin của ngài chắc hẳn cũng đang còn non yếu. Qua những năm tháng được sống với Thầy Giêsu, được nghe những lời Thầy giảng, được thấy các việc Thầy làm, nhất là được chứng kiến các phép lạ mà Thầy thực hiện, đức tin của ngài đã lớn lên rõ rệt.

Ngài ngày càng xác tín hơn về con người và sứ mạng của Đức Giêsu, và có thể hết lòng gắn bó với Người. Lúc này, ngài có thể cùng với Thánh Phêrô nói lên lời tuyên tín: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16), hay nói lời cương quyết như Thánh Phêrô: "Bỏ Thầy con biết theo ai vì Thầy mới có lời ban sự sống đời đời?" (Ga 6, 68).

Giai Đoạn 3: Đức Tin Bị Thử Thách và Khủng Hoảng

Hành trình theo Chúa không êm xuôi như ngài nghĩ. Hơn nữa, đức tin cần được thanh luyện nhiều mới có thể trở nên tinh ròng và kiên vững. Khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó lần thứ nhất, Thánh Tôma cũng như các Tông đồ khác hoàn toàn không hiểu được, hay nói đúng hơn là ngài không muốn hiểu. 

Khi nghe Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai, niềm tin của ngài bắt đầu bị lung lay vì chương trình của Thầy mập mờ khó hiểu, như lời ngài bộc bạch: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi" (Ga 14,5). Khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó lần thứ ba, ngài mới vỡ lẽ rằng chương trình của Thầy hoàn toàn không như mình tưởng nghĩ. 

Đấng Messia mà ngài đang đặt niềm tin tưởng và mong chờ không phải là một đấng Messia theo kiểu trần thế. Choáng váng trước viễn tượng chết chóc mà Thầy mình loan báo, ngài bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng đức tin. 

Khi chứng kiến cuộc thương khó và cái chết bi thảm, tủi nhục của Thầy trên thập giá, đức tin của ngài bị thử thách nặng nề và khủng hoảng trầm trọng: Thầy chết, đồng nghĩa với đức tin của mình chết. Bởi đó, khi nghe các Tông Đồ khác báo tin là họ đã thấy Chúa phục sinh, thánh nhân vẫn phản ứng quyết liệt: "Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin" (Ga 20,25).

Giai Đoạn 4: Đức Tin Được Củng Cố và Chắp Cánh Bay Cao

Nếu trước đó 8 ngày, Thánh Tôma vẫn tỏ ra cứng cỏi, thì khi được Đức Giêsu hiện ra cho thấy các dấu đinh, ngài đã cảm xúc đến tận cõi sâu thẳm con người của mình. Đồng thời với phản ứng ấy là một hành vi đức tin của sự suy phục, suy phục Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi" (Ga 20, 28). 

Ngay lúc này, ngài hiểu rõ Đức Kitô thật sự là ai, và con đường Người đã đi là con đường nào: con đường thương khó, tử nạn và phục sinh. Từ giây phút gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, thánh nhân đã hoàn toàn trở thành một con người khác. Niềm tin của ngài đã được chắp đôi cánh mới, đôi cánh của Đức Kitô phục sinh. Đặc biệt, khi được Đấng Phù Trợ mà Đức Giêsu hứa ban, tăng thêm sức mạnh vào ngày lễ Ngũ Tuần, thì đức tin của ngài đã có thể bay rất cao và rất xa.

Giai Đoạn 5: Đức Tin Được Vinh Thăng

Sau khi Đức Giêsu về trời, thánh nhân đã cùng với các Tông Đồ khác ra đi loan báo Tin mừng khắp nơi và “có Chúa cùng hoạt động” (Mc 16,20). Thao thức của ngài lúc này không còn là chức quyền, địa vị hay danh vọng trần thế nữa mà là làm sao cho danh Đức Kitô được loan báo. 

Ngài đã can đảm hiên ngang làm chứng cho Tin mừng Đức Kitô và sẵn sàng chịu mọi thử thách gian lao. Tương truyền, thánh nhân đã rao giảng Tin mừng cho dân Ba Tư và đến tận Ấn Độ, cuối cùng chịu chết vì danh Đức Kitô trong khi thi hành sứ mạng. Ngài đã được phúc bước lên đài cao vinh quang dành cho các vị tử đạo và được ngồi vào một trong 12 ngai tòa xét xử muôn dân nơi Thành thánh Giêrusalem trên trời.

Kết Luận

Hành trình đức tin của Thánh Tôma cũng chính là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích rửa tội là ngày đức tin của chúng ta được khai mở. Qua Bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, đức tin ấy được tăng trưởng và lớn lên theo thời gian. 

Song, cũng có những lúc đức tin của chúng ta bị thử thách nặng nề, điều mà chúng ta gọi là đêm tối của đức tin, tối đến độ không còn thấy một tia hy vọng nào. Đó là những lúc gặp đau khổ, bệnh tật, tai ương, hay thất bại trong công ăn việc làm, trong chuyện gia đình… nhưng nhờ những lúc như thế mà đức tin của chúng ta được tôi luyện, được thanh lọc, vì “lửa thử vàng, gian nan thử đức.”

Nguyện xin Thánh Tôma Tông Đồ từ nơi Thiên quốc hằng nhìn đến mỗi người chúng ta và cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta trên hành trình đức tin, được một lòng một dạ kiên trung đi theo Đức Kitô, dẫu có gặp thử thách gian truân, để mai sau chúng ta được cùng ngài chung hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa trên Nước Hằng Sống. Amen.



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT